• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Tiểu thuyết "Lính miền Đông" (5)

Chủ nhật - 16/07/2023 15:19


(Ảnh: Ngọn núi Bà Rá -THT)



TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG (5)
(Tác giả: Bùi Thị Biên Linh)

(Tiếp theo)

Lê xiết chặt tay Hoan rồi xốc lại cái ba lô trên lưng. Hoan nhìn theo Lê cho đến khi bóng áo xanh màu lá rừng của anh khuất hẳn.

Hoan lục tìm lá thư cũ của Lê gửi cho mình vài tháng trước. Đọc lại, Hoan càng quý trọng Lê hơn.

Hoan gấp lá thư của Lê bỏ vào túi áo, lòng nao nao. Thương anh Lê quá! Mỗi dòng chữ kể về việc Hạ Lan đã đi theo chồng sang Pháp hình như vẫn còn vương vấn bao nỗi niềm riêng. Hoan đã từng nghe Lê nhắc nhiều về người con gái mà anh đã gắn bó cùng biết bao kỷ niệm. Hoan nhớ lúc Lê trầm ngâm: “Anh và Hạ Lan không có duyên cùng nhau. Không đồng quan điểm nên đành xa thôi Hoan à. Anh không buồn nhưng tiếc nhớ những ngày tháng đã qua. Em và Ý thật may mắn khi hai đứa cùng chung đường hướng... Chiến trường nhiều gian khổ nhưng các em đã có nhau. Đó là hạnh phúc”. Lời lẽ trong thư cứng cỏi nhưng Hoan hiểu Lê rất buồn. Ngày trước, đã có lần Lê bảo “Tình đầu bao giờ cũng đẹp, càng ngăn cách càng khiến người ta nhớ nhung, mong ước”.

 

Hoan đã về đơn vị mới. Công tác ở Tỉnh đội một thời gian, Hoan được điều về Tiểu đoàn Bộ binh 168 thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Phước Long. Hoan được giao chức vụ: Trung đội trưởng.

Sau khi kết thúc tổng công kích mùa Xuân Mậu Thân 1968 đợt một và đợt hai ta chịu nhiều tổn thất về sức người, sức của. Bộ chỉ huy quân sự Miền và Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh quyết định biên chế lại, củng cố lực lượng. Tiếp tục chuẩn bị tổ chức các trận đánh mới.

Cuối tháng 7/1968, đại đội Trinh sát cùng hai đại đội bộ binh do chính trị viên C102, được điều động dẫn quân từ Bom Đun Suối Minh khu vực Nhà Tằm tiến về lô cao su của chủ dinh điền Bửu Hiệp. Đoàn quân men theo ven đường chờ cơ hội vượt đường bộ qua cánh rừng cao su ước chừng chục năm tuổi để phục kích quân địch tại khu phố Phước Trung. Ban chỉ huy và trinh sát thông tin đã xem xét, bố trí trận địa cho ba đại đội. Ban chỉ huy tiểu đoàn thống nhất, Đại đội 10 được bố trí phục sát hẻm phải đường bộ từ Phước Bình xuống, chờ địch kéo quân xuống chi viện sẽ chặn đánh tiêu diệt. Đại đội 103 được bố trí trận đánh địch hành quân từ Phước Bình xuống phía bên trái cách đường lộ khoảng 30 - 40 mét. Đại đội 102 được bố trí đội hình nằm sâu bên trong rừng cao su cách đường lộ khoảng 150 đến 200 mét, có nhiệm vụ đánh xuyên hông địch. C103 nổ súng vỗ mặt chặn địch.

Lệnh của Tiểu đoàn: hiệp đồng tác chiến. Mục tiêu, phải tiêu diệt từ một đến hai đại đội của địch trong trận này. Kết thúc điều nghiên, quân ta hành quân về cứ an toàn, tuyệt nhiên không để lại dấu vết. Sau khi lên sa bàn tập dợt, hiệp đồng tác chiến và chuẩn bị mọi mặt xong, đúng 15 giờ chiều ngày 9 tháng 8 năm 1968, Ban chỉ huy Tiểu đoàn và trinh sát thông tin cùng các đại đội xuất quân ra trận. 

Ngoài trang bị cá nhân, vũ khí, cơ số đạn, cơm, nước, trên vai mỗi chiến sĩ là một bó lồ ô gồm ba cây chẻ đôi dài 2,2 mét và hai khúc lồ ô gốc, dài 1,1 mét để sẵn sàng làm nắp hầm di động trong công sự khi chiến đấu. 

Cả đội hình thứ tự hành quân. Khi đi ngang qua dãy huyệt do khẩu đội phẫu thuật tiền phương chuẩn bị trước cho công tác tử sĩ, ai nấy đều cố gắng giữ bình tĩnh, cố làm ra vẻ thản nhiên và hiên ngang. Hoan thầm nghĩ: Ra trận, ai cũng mong chiến thắng để được về với gia đình. Nhưng mình chỉ có thể trở về khi chiến thắng. Nhưng muốn thắng giặc, phải thắng được chính nỗi sợ hãi, hoang mang của mình.      

Đội hình vừa hành quân vừa chờ hoàng hôn xuống để vượt qua rừng cao su già rộng mênh mông và con lộ liên tỉnh sát đồn bốt giặc. Tình thế yêu cầu các chiến sĩ phải hết sức bí mật. Gọn gàng, nhanh chóng, từng tốp vượt qua không để lại dấu vết. Khi đến vị trí đã định, ai nấy đều thấm mệt, nhưng vẫn phải đi khảo sát xung quanh. Nghỉ 5 phút, tất cả bắt tay đào công sự. Lính ta đã quen với việc dùng chân đạp vào xẻng, đào đất đổ lên không gây tiếng động. Người nào cũng miệt mài để hoàn thành xong công sự. Lệnh đã ban, trước 3 giờ 30 phút sáng phải xong. Mồ hôi ướt nhẹp, bụi đất đầy người. Xong việc, các chiến sĩ lấy bi đông nước súc miệng rồi lấy cơm vắt, muối mè ra ăn ngon lành. Tinh thần phấn chấn, chuẩn bị cho trận đánh sắp diễn ra.      

Sáng sớm, toàn trận địa im lìm trong chờ đợi. Tất cả ngụy trang kỹ. Nín thở. Không khí như căng ra. 

Đúng 7 giờ sáng ngày 10 tháng 8 năm 1968, chiếc xe zép chở bốn tên sĩ quan địch từ Phước Bình xuống để đi vào ấp Chiến lược Hiếu Phong. Xe chúng cách ngã ba Hiếu Phong khoảng 50 mét thì tổ trinh sát của tiểu đoàn 168 chặn đánh, tiêu diệt toàn bộ, thu vũ khí, đốt cháy xe. Địch điều gấp tiểu đội Bảo An kéo xuống. Chúng đi đúng vào vùng dự đoán của ta. Quân địch được trang bị rất oách. Chúng men theo đường lộ 2 cách khoảng 30 đến 40 mét là lọt hẳn vào trận địa phục kích của ta. 

Trong công sự, Hoan căng mắt nhìn, trống ngực dội lên. Hồi hộp khi thấy thằng toán trưởng dừng lại, lấy mũi súng gạt gạt đám cỏ vẻ hoài nghi. Đám lính phía sau cũng dừng lại cảnh giác. Chừng hai phút, không phát hiện gì, chúng lại tiếp tục tiến sâu vào vùng tử địa. Do ngụy trang khéo, nên bọn Bảo An không phát hiện ra công sự của ta. Đợi chúng lọt hẳn vào, lập tức ta dùng hỏa lực B41, B40, DH 10, RPD, cối 61 ly và súng bộ binh đồng loạt tấn công. Quân địch cuống cuồng tháo chạy. Nhiều tên bỏ mạng. Một số quay đầu chạy về phía sau. Bất ngờ gặp đội hình C102 của ta chặn đánh. Đội hình địch tan tác. Một số tên thoát thân cố sống, cố chết chạy về đồn Phước Bình.     

Quân địch ở Phước Bình và vùng lân cận nã pháo về phía đội hình của ta. Nhiều nhất là cối 106,7 ly. Chúng bắn dàn này qua dàn khác. Đạn nổ liên hồi. Kiểu này, lính ta quen gọi đùa là dàn nhạc Tân Tây Lan. Chừng gần 20 phút sau, chúng cho máy bay trực thăng xô đến, bắn xối xả. Máy bay C130 quần thảo trên đầu vãi đạn 12,7 ly như mưa. (Chiến sĩ ta quen gọi đó là bắn kiểu bò đái).

 Sau một giờ bắn phá vào trận địa của ta, địch cho đại đội biệt động quân kéo từ Phước Bình xuống. Có lẽ địch cho rằng ta đã thiệt hại hoặc rút quân chứ không thể nào trụ nổi. Đội hình địch cứ theo đường cũ, cẩn thận dò xét, tiến quân vào trận địa của ta. Ta bất thần nổ súng đồng loạt bằng mọi hỏa lực. Bị đánh bất ngờ, quân địch chết la liệt. Rừng cao su gãy đổ ngổn ngang. Mặt đất trống trơn. Cày xới. Nồng nặc mùi khói và thuốc súng. C102 và 103 kịp thời rút về công sự ẩn nấp, tranh thủ kéo cành cây, lá, ngụy trang trận địa và công sự chiến đấu một cách khéo léo.  

Địch tiếp tục sử dụng màn kịch cũ. Chúng dùng máy bay oanh tạc, pháo ở tiểu khu bắn xuống và cối 106,7 ly cấp tập bắn phá vào đội hình của ta. Sau khi dứt đợt bắn phá của địch, quân ta lại tiếp tục ngụy trang và chờ chúng kéo đến.

Đã 3 giờ chiều. Nắng mùa khô rát bỏng. Tất cả vẫn kiên nhẫn bám trụ, tuyệt đối giữ bí mật. 

Gần 4 giờ chiều, một đại đội ngụy quân có cả khoảng một trung đội lính Mỹ theo sau yểm trợ đang thận trọng tiến vào khu vực vừa bị chính chúng bắn phá tan hoang. 

Quân ta vẫn nằm im chờ đợi. Bỗng một tên lính Mỹ la lên, giọng líu lại đầy hoảng sợ "Vi ci...! Vi ci!" 

Đã bị lộ.

Tình thế cấp bách, ta phải lập tức đồng loạt nổ súng. Tiếng rên la thảm thiết của quân địch bị trúng đạn. Trung đội trưởng trung đội 2 của C103 bị trúng đạn 12,7 ly của địch. Đại đội trưởng C102 hy sinh trên đường xuất kích. Sự hi sinh của hai chỉ huy và bốn chiến sĩ trong trận này là thiệt hại không hề nhỏ. Tiểu đoàn trưởng phải điều chính trị viên phó C102 lên thay C Trưởng, tiếp tục chỉ huy chiến đấu.

Địch vẫn tiếp tục bắn phá vào trận địa của ta. Trời chạng vạng tối, dứt đợt tấn công của địch, Ban chỉ huy tiểu đoàn nhận định: Địch sẽ đưa quân tiến đánh vào đội hình của ta lần nữa. Tình thế này buộc ta phải có kế sách để giảm thiểu thương vong. Tham mưu trưởng tiểu đoàn yêu cầu:

- Các đơn vị phải luôn sẵn sàng! 

Có ý kiến từ C102.

- Hay ta rút quân? Chiến sĩ đã đói và mệt nhoài rồi!

- Phải đấy. Cơ số đạn cũng còn quá ít! Tiếp tục chiến đấu sẽ rất nguy hiểm!

Tiểu đoàn trưởng Chín Đức lên tiếng khi vừa đi thị sát về tới cửa hầm. Sau một hồi bàn bạc, phân tích tình hình, chính trị viên tiểu đoàn lệnh cho các đơn vị chôn cất tử sĩ tại hầm công sự của Ban chỉ huy tiểu đoàn. Phân công C102 làm nhiệm vụ mở đường rút lui về căn cứ. Tiểu đoàn sẽ rút quân theo hướng lộ 2 đoạn gần ngã ba Hiếu Phong hướng về Suối Minh. Trên đường - Chung tiểu đội trưởng cối 61 ly của C103 lấy được khẩu M72 của địch bỏ lại trận địa. Không ngờ đạn đã kéo sẵn, Chung sơ ý, đạn bay ra khỏi nòng làm cho ngón tay đứt lìa ra, máu chảy ròng ròng. Về gần đến địa điểm đóng quân, trung đội của Hoan phát hiện, bắt giữ được vợ chồng tên Trung sĩ Tứ ở đồn Bảo An Phước Bình. Về đến cứ, chính trị viên dặn mọi người cho vợ chồng Tứ ăn cơm. Tối đến Hoan và Châu nhường võng cho vợ chồng Tứ; hai người trải lá nằm dưới đất. Biết tay Trung úy này bị bắt đi lính, hắn chưa gây ra tội ác gì với nhân dân nên chỉ huy đơn vị yêu cầu không ai được đánh. Chính trị viên C103 trực tiếp nói cho Tứ hiểu rõ bản chất của cách mạng.

- Anh thấy đó! Lực lượng giải phóng cũng đều là bà con mình. Họ cũng có gia đình, người thân, cũng muốn được sống an lành để làm ăn sinh sống. Nhưng bọn Mỹ sang cướp nước ta. Bắn giết đồng bào ta. Các anh lại còn làm tay sai cho chúng. Vì thế, chúng tôi phải rời xa quê hương, gia đình mười năm rồi, tôi chưa được về thăm mẹ. Nhiều đứa trẻ chưa kịp sinh ra cha đã hi sinh. Nhiều bà mẹ khóc vì nhớ thương con đến mù lòa. Nhiều chiến sĩ của chúng tôi hi sinh khi mới 17, 18 tuổi. Họ còn chưa một lần được biết đến tình yêu... Thế mà các anh lại làm tay sai cho giặc!   

Dù cố kìm nén, giọng của chính trị viên vẫn run run xúc động. Vợ Tứ bật Khóc, Tứ chụp lấy bàn tay chính trị viên Ba Đức.  

- Tôi đã biết tôi sai rồi! Tôi sẽ sửa sai. Tôi sẽ bỏ lính! 

Vợ Tứ chùi nước mắt nói với chồng.

- Đúng đó! Anh bỏ lính quay về đi! 

Ba Đức từ tốn.

- Anh chưa cần bỏ lính. Anh cứ ở lại nhưng hãy tìm cách thuyết phục các anh em khác ủng hộ cách mạng là được! - Tứ gật đầu lia lịa. 

- Tôi hiểu rồi cán bộ! Tôi sẽ ráng sức hết mình!

- Chúng tôi tin ở anh! Thôi, anh chị ngủ đi, mai tôi sẽ gửi xe cho anh chị về nhà.  

- Dạ! Vợ chồng em cảm ơn cán bộ!   

Sáng hôm sau, đơn vị cho vợ chồng Tứ ăn uống đàng hoàng rồi dẫn cả hai ra đường lộ, kiếm xe be chở gỗ để Tứ đưa vợ về.   

Tứ trở về đồn và trở thành tai mắt của ta từ đó. Tứ còn lôi kéo được cả chục lính trong đồn hướng theo cách mạng. Nhiều thông tin và vũ khí của địch đã được Tứ chuyển cho quân cách mạng.   

Lực lượng vũ trang tỉnh Phước Long vừa kết thúc tham gia đợt chiến dịch tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, đang chuẩn bị ráo riết cho đợt hai.   

Lúc này, C15 đặc công của tỉnh và C103 Bộ binh của Tiểu đoàn 168 nhận lệnh lên đường qua Bù Đốp (địch gọi là Bố Đức) để phối hợp chiến đấu theo chiến dịch chung của cả nước. Đầu tháng 5, bắt đầu vào mùa mưa. Thi thoảng đã có những cơn mưa như trút nhưng nhìn chung ở chiến trường Bù Đốp (K16) vẫn khô hạn. C15 đặc công được lệnh hành quân đi trước, đại đội 103 đi sau vài ngày. Qua sóc Bù Ha nhưng nơi đây không còn dân. Họ đã bỏ sóc chạy giặc vào tận rừng sâu. Vượt qua bến đò, qua Trảng Dầu bạt ngàn cỏ tranh là vào đến Sông Măng, ranh giới Việt Nam Cam Pu Chia thì trời tối hẳn. Đơn vị được lệnh nghỉ ngơi.

Sau chặng đường dài hành quân vất vả, mồ hôi đầm đìa, nhiều chiến sĩ chạy vội ra sông tìm nước uống. Sông Măng vẫn còn cạn khô, chỉ có vài vũng nước giữa lòng sông đọng lại. Hoan vục nước vào hai bàn tay hối hả uống. Lính chiến đấu thì ở đâu cũng đói ăn, thiếu thốn. Nhưng lính miền Đông còn khổ hơn vì thiếu nước. Mùa khô ở Đông Nam Bộ dài lê thê. Nhiều người khát cháy họng, tìm được nước, chưa kịp uống đã trúng đạn hi sinh.

Nghỉ ngơi vài phút, lại hành quân tiến sâu vào đất bạn Cam Pu Chia để đóng quân, chờ lệnh. Ngày hôm sau, được lệnh hành quân đến nơi mới cách chi khu quân sự Bù Đốp và Thị trấn Phước Hưng hơn chục km. Đây là vị trí đã được lãnh đạo Phân khu 10, lãnh đạo K16 và đội công tác chuẩn bị trước để đón C103. Toàn bộ vũ khí mang theo đều được đổi, được trang bị mới. Cả đại đội đều phấn khởi.

Gần nơi đóng quân của C103 có Đại đội vận tải, 100% là nữ. Đại đội trưởng Ngân chừng 30 tuổi; da ngăm đen, người Nam Bộ. Các chị em khác đều trạc mười tám đôi mươi quê ở khắp mọi miền. Tất cả đều chung một kiểu trang phục; Bà Ba đen, khăn rằn quấn cổ, mũ tai bèo xanh màu lá. Nhiệm vụ của đội là mang vác lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí, theo chỉ đạo của phân khu 10 và phục vụ cho chiến đấu của các đơn vị thuộc phân khu. 

Biết tin láng giềng là đơn vị vận tải nữ, cả C103 vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Hoan được phân công gặp C trưởng Ngân của Đại đội Vận tải bàn về kế hoạch giao lưu văn nghệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ. Nghe đề nghị, C trưởng Ngân hồ hởi.  

- Bên tôi cũng rất mong có dịp giao lưu văn nghệ cùng các đồng chí!

- Vậy là ta thống nhất. Bên tôi chuẩn bị sân bãi.

- Còn bên tôi lo hậu cần.  

Đêm liên hoan văn nghệ diễn ra ngay trên khu đất trống trước doanh trại. Ánh đuốc lồ ô phập phừng. Các chiến sĩ C103 trổ tài ca hát, làm ảo thuật, Đại đội nữ Vận tải góp nhiều bài đơn ca, song ca. Ngân cũng góp một bài. Hoan bất ngờ khi nghe cô hát bài Lên ngàn tha thiết, dạt dào xúc động, khác hẳn bề ngoài mạnh mẽ, dứt khoát thường thấy ở một nữ chỉ huy nổi tiếng can đảm. Đôi mắt Ngân ngấn nước, giọng nghèn nghẹn khi hát câu "Mai này kháng chiến thành công anh về em thỏa ước mong".   

Hỏi cô gái ngồi bên, Hoan mới biết chồng Ngân mới hy sinh năm tháng trước. Ngân có một con gái nhỏ hơn 6 tuổi gửi mẹ chị ở quê chăm sóc. Ngân đã trở xuống. Hoan lấy một khúc cây ngắn đẩy về phía chị. 

- Mời chị ngồi đây! 

Trên "sân khấu" các chiến sĩ vẫn hồn nhiên ca hát. Có các cặp song ca của các "ca sĩ" của C103 và C vận tải. 

Kết thúc đêm liên hoan văn nghệ là chầu liên hoan mặn bằng món cháo và thịt nướng. Các cô gái C vận tải thật khéo chế biến. Món nào cũng thơm ngon. Tranh thủ truyện trò. Tranh thủ hỏi họ tên, địa chỉ.   

Hiệu lệnh tập trung về doanh trại vang lên, các chiến sĩ vẫn còn ngẩn ngơ tiếc nuối.   

Những bàn tay vẫy, những cái xiết tay thật chặt và những đôi mắt đầy xao xuyến. Cuộc gặp gỡ giao lưu ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ nhưng nó vẫn là đề tài rôm rả nhất của lính C103 suốt mấy ngày sau.   

Thấy Chinh vừa lau súng, vừa khe khẽ hát, Hoan lại gần.

- Vẫn còn tiếc đêm văn nghệ hả! - Chinh lúng túng. 

- Báo cáo thủ trưởng, còn hơi hơi ạ. 

- Đã xin được địa chỉ chưa? 

- Dạ... 

- Cậu vui thế, chắc là xin được rồi! 

- Dạ... 

- Tên là gì?

- Trang ạ. 

- Quê đâu! 

- Ngay Bù Đốp đây thôi thủ trưởng. 

- À... Cậu may mắn lắm đó. Nhiều người trong đại đội mình không được như cậu đâu!

- Em cảm ơn thủ trưởng!   

Chinh cười, gò má ửng hồng như con gái, đôi mắt long lanh vui.

Hơn 9 giờ sáng, lại được lệnh tiếp tục hành quân. Ra khỏi rừng già chừng 5 km, gặp những rừng cao su, vườn điều bạt ngàn, không khí mát mẻ. Đến quá nửa khuya, đoàn quân mới áp sát được khu vực hàng rào ấp chiến lược. Đội công tác dẫn đường báo tin tình hình bên trong vẫn bình thường. Nghỉ ngơi cho lại sức, toàn đơn vị lấy cơm vắt ra ăn, uống nước và kiểm tra vũ khí, sắp xếp lại đội hình, C trưởng cử tổ cắt rào gồm ba chiến sĩ. Chinh, Đạt, Tịnh. Cả ba đều nhanh nhẹn. Ngoài kìm và các dụng cụ cắt hàng rào dây thép gai, tổ công tác còn mang theo hai quả ĐH10 vào vị trí cửa mở đặt trước để khai hỏa đúng giờ G đã định trước. Tổ của Chinh hoàn thành công việc nhanh, trở về an toàn. Tất cả đã sẵn sàng đúng giờ G (lúc này là 24 giờ), đặc công C15 đã mật tập ém quân, bất ngờ tấn công đánh vào chi khu quân sự Bù Đốp. ĐH10 của C103 cũng điểm hỏa, cối 82 ly của đơn vị trợ chiến thuộc phân khu 10 cấp tập bắn vào trung tâm biệt kích và sân bay dã chiến. Các loại hỏa lực B40, B41, RBP, cối 61 ly và súng bộ binh nổ vang rền. Pháo và súng của địch bắn lên sáng rực cả một vùng. Ta tấn công quyết liệt, đạn bay đỏ mặt trận. Quân ta xé rào xông lên tấn công vào các chốt gác của địch. Dân cư quanh khu vực Phước Hưng hoảng loạn dồn về Chu Ninh.

Tại chi khu Bù Đốp, sau hơn nửa giờ đánh chiếm từ bên trong, C15 đặc công với lối đánh “Nở hoa trong lòng địch” đã làm chủ trận địa và tiếp tục xung kích, đánh các hầm, lô cốt còn lại. Hơn một giờ sáng, ta mới rút khỏi chi khu. Đơn vị Hoan hy sinh ba, bị thương năm người. Một bộ phận tìm những người hy sinh để làm công tác tử sĩ. Một bộ phận đưa thương binh về bệnh xá Trung đoàn.

Hoan dẫn theo hơn chục người tỏa ra các hướng tìm nhưng chỉ thấy hai thi thể, đó là Thông và Tấn không thấy Chinh đâu. Tìm mãi mới thấy đôi chân thò ra ngoài bức tường lô cốt bị đánh sập. Toàn thân bị khối xi măng, sắt, thép đè lấp lên. Hoan nhận ra thi thể của Chinh. Lòng anh đau nhói. 

Quân địch đã củng cố đội hình, tiếp tục nã súng. Ta buộc phải rút quân, chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Trở về hậu cứ, hình ảnh nụ cười bẽn lẽn, khuôn mặt rạng ngời của Chinh cứ hiện lên trước mặt Hoan.

Cuộc chiến vẫn cam go. Nhiều mũi cùng tiến về thị trấn Phước Hưng, C103 tiến đánh cánh trái, diệt số lính ngụy trong các chốt gác. Ta đã đánh sập được nhà máy đèn và làm chủ hoàn toàn khu vực rộng lớn. Cánh quân của C1 thuộc tiểu đoàn 212 phân khu 10 đánh vào cánh phải. Bất ngờ, địch bấm mìn Claymo. Mìn nổ tung. Đại đội trưởng C1 hy sinh. Tiểu đoàn trưởng vội điều C103 qua chi viện cho C1 đánh chiếm khu vực được phân công.

Gần tám giờ sáng hôm sau, địch từ Chi khu Bù Đốp kéo xuống, từ Trung tâm biệt kích kéo sang, hình thành gọng kìm đánh kẹp quân ta. Đạn M72, M79, đại liên trung liên AR15 bắn như vãi trấu vào đội hình của ta.

Từ các vị trí chiến đấu, các công sự, ta đánh trả quyết liệt. Trung đội trưởng Thiêm ở trung đội 2 trúng đạn, máu ướt bên ngực trái nhưng anh cố bịt vết thương, tay còn lại vẫn bóp cò súng yểm trợ cho đồng đội xông lên. Dứt tiếng súng Thiên và những người bị thương được đưa về tuyến sau. Trận chiến kèo dài. Địch phản công rất mạnh. Ta gặp nhiều khó khăn. C trưởng C103 xin ý kiến Tiểu đoàn.

- Báo cáo, tình huống này ta chiến đấu tiếp hay rút?

- Tiếp tục chiến đấu!

Ta tiếp tục phản công đánh trả các đợt tấn công của địch. Chúng không dám xông lên, chỉ vừa bắn xối xả vừa la hét.

- Tiến lên! Tiến lên!

Nhưng không tên nào dám tiến vào.

Xác lính ngụy nằm gần phía ta. Chúng cho xe đến lấy xác cánh lính chết trận ở phía xa, chở đi. Địch quyết đánh chiếm lại thị trấn, ta quyết tâm bám giữ. Hai bên giành nhau từng khoảng đất. Cây cối xơ xác vì đạn pháo. Nhà cửa của người dân lân cận đó bị đạn xuyên phá. Cây trái còn non rụng tơi tả. May mà người dân đã kịp bỏ đi trước. Ụ chiến đấu của quân ta nhiều lần phải gia cố và ngụy trang cẩn thận để chuẩn bị đối phó với các đợt phản công khác của địch.

 Tổ trinh sát của C103 kéo về. Đã phát hiện hai cánh quân từ Trung tâm biệt kích và từ Chi khu quân sự Bù Đốp đang tiến về tiếp sức cho địch. Chúng quyết tâm tiêu diệt quân ta và chiếm lại thị trấn cho bằng được.   

Nhận được báo cáo từ Trinh sát, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn cho kiểm tra vũ khí, cơ số đạn. Nắm được số lượng vũ khí và tinh thần chiến sĩ có phần giảm sút do gần hai tháng ròng rã không được nghỉ ngơi. Thiếu nước và đói. Nếu chiến đấu tiếp sẽ bất lợi. Còn một số thương binh cần đưa về tuyến sau. Tiểu đoàn trưởng đôi mắt đăm chiêu, trán hơi nhăn lại. Chưa kịp suy tính thiệt, hơn, bọn địch lại tiếp tục nổ súng.  

Đã gần 15 giờ. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng. 

- C103 an táng tử sĩ tại công sự.  

Nhanh chóng rút quân.   

Toàn đơn vị vừa chiến đấu, vừa mở đường rút quân. Băng qua lộ vượt hàng rào ấp chiến lược về vị trí tập kết ban đầu. Tuy đã nỗ lực hết mình, nhưng ta đã mất cả Đại đội trưởng và chính trị viên C1 tiểu đoàn 212.    

C15 và C103 được lệnh nghỉ 3 ngày. Được nghỉ ngơi sau thời gian dài căng thẳng, lính ta tranh thủ viết thư, cạo râu, cắt tóc, đánh bài, vài anh lần mò ra suối bắt cá về cải thiện.  

Hoan tìm gốc cây khô, ngồi hướng mặt ra suối, kê giấy lên đùi viết thư về cho các anh, chị và mẹ. Anh kể về thắng lợi, tình cảm đồng đội gắn bó. Hoan không nhắc gì về sự hi sinh. Anh sợ mẹ và các anh, chị sẽ muộn phiền lo lắng. Hoan luôn kể về tình hình sức khỏe của anh rất tốt, không bị sốt rét hay ốm đau gì. Anh em đồng đội luôn yêu thương, giúp đỡ nhau. Cuộc kháng chiến sẽ nhanh chóng giành thắng lợi, ngày đoàn tụ sẽ không còn xa nữa... gấp lá thư bỏ vào phong bì, Hoan thấy lòng chộn rộn niềm vui, nghĩ đến ngày chiến thắng trở về.

Sau ba ngày nghỉ, lại nhận lệnh lên đường. Lần này, đơn vị Hoan được đội công tác K16 gồm hai nam, ba nữ dẫn đến căn cứ dã chiến của đội cách ấp chiến lược Bù Kroai khoảng bảy ki lô mét. Đường mùa khô lầy bụi đỏ. Mỗi trận gió là bụi bay tung, các vườn cây ven đường đang mùa lá rụng – Gió cuốn những chiếc lá khô xạc xào. Cành cây khẳng khiu khét mùi nắng và bụi đỏ.

Đến nơi, ba nữ chiến sĩ K16 quét lá cây, để lộ ra nắp giếng đậy bằng phên lồ ô. Nhẹ nhàng gỡ tấm phên ra, chị Ba Khanh (trưởng nhóm K16) nói nho nhỏ.

- Giếng này sâu khoảng năm mét. Nước ít, nhưng đây là giếng đá, có mạch ngầm. Múc nước đi, mạch lại chảy ra tiếp.

Lính C103 chuyền nhau những bi đông nước lấy từ giếng.

Châu - chiến sĩ trinh sát C15 kêu lên thích thú.

- Nước mát! Đã quá! Đã quá!

Ba Khanh cười cười.

- Xứ này không chỉ có nước mát mà còn có nhiều gái đẹp à nghen! Có chú nào muốn làm rể Bù Đốp không?

Vừa nói Ba Khanh vừa liếc mắt qua út Huệ. Huệ xinh xắn trong bộ bà ba đen, mũ tai bèo màu xanh lá.

- Có em! Có em!

- Em nữa nè! Chị!

- Anh nữa nè, chiến sĩ gái ơi!

Các chiến sĩ nhao nhao, tiếng cười đùa vui vẻ xua đi mệt mỏi.

Ăn cơm chiều xong, đội công tác đưa đơn vị ra khỏi bìa rừng, tiếp tục băng qua các rẫy bắp, rẫy lúa của đồng bào dân tộc S’Tiêng. Gần tới đường lộ chỗ ngã ba Công Chánh đi Chi khu Bù đốp. Tất cả đội hình đều ém quân chờ thời cơ đột nhập.

Theo kế hoạch C15 bí mật cắt hàng rào đột nhập bất ngờ tấn công tiêu diệt đồn lính nằm bên phải ấp, hỗ trợ cho đội công tác đột nhập vào khu dân cư. Trong ấp có một tổ của C103 yểm trợ để tuyên truyền cho người dân bắt ác ôn có nợ máu với Cách mạng. Đơn vị 103 bố trí phục kích phía bên phải đường từ Chi khu Bù đốp xuống ấp Bù Giai phía bên trái đường.

Đêm mùa khô nơi giáp biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia đầy gió. Đêm bao phủ khắp rừng cây, lối cỏ. Muỗi nhiều vô kể. Mọi người phải cố gắng kiên gan đợi lệnh.

23 giờ 55 phút, C15 được lệnh tấn công. Đã nghiên cứu kỹ tình hình bố trí của đối phương, lại thêm tinh thần quyết chiến nên ta tiêu diệt gọn đồn lính. Quân địch bị bất ngờ, lớp bị tiêu diệt tại chỗ, lớp bỏ chạy tán loạn. Lửa rực trời. Pháo sáng bắn lên sáng cả một vùng.

  Đội công tác K16 nhanh chóng đột nhập vào ấp, đến khu dân cư, tuyên truyền chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho nhân dân. Nhóm trinh sát gặp cơ sở nắm thêm tin tức.   

C15 nhận nhiệm vụ đặc biệt: Tiếp cận nhà tên ác ôn Tư Khoái, đọc lệnh của chính quyền Cách mạng kết tội tên chỉ điểm gây nhiều tội ác, có nợ máu với nhân dân. Tổ trinh sát của Châu đột nhập vào nhà tên Khoái khi hắn đang uống rượu trên bộ ngựa. Tên ác ôn không kịp mặc áo, mình trần trùng trục, cái mặt nung núc những thịt. Cặp mắt trắng dã trợn tròn. Miệng ú ớ không la được tiếng nào. Châu kể súng vào cổ. Tên Khoái không dám chống cự. Hắn bị Hòa và Kiên trói bằng sợi dây dù dong đi.   

Sau khi làm công tác tuyên truyền cho người dân ấp Bù Giai và những vùng lân cận, C15 và đội công tác rút về căn cứ.  

Hơn 5 giờ sáng, một đội lính Bảo An từ Chi khu Bù Đốp bí mật hành Quân xuống cách lộ chừng 20 mét. Đợi chúng lọt vào ổ phục kích của C103, chính trị viên ra lệnh cho trung đội 1 đánh vỗ mặt, trung đội 3 tấn công mạn sườn... Bị đánh bất ngờ, quân địch trở tay không kịp, chúng chết như rạ. Một số tên cố sống cố chết chạy băng qua đường tẩu thoát.  

Do hợp đồng tác chiến chặt chẽ nên trận này ta không bị thương vong nhiều.  Được lệnh rút quân, Đại đội trưởng C103 cho kiểm tra quân số, thấy thiếu Trào - người Dinh Điền Đạo Nghĩa Quảng Đức. Châu xung phong dẫn tổ trinh sát đi tìm kiếm. Chừng hơn nửa tiếng sau, Châu phát hiện Trào đã hy sinh, nằm trên nền công sự. Thân thể Trào còn âm ấm, đôi mắt mở to. Châu quỳ xuống nâng Trào dậy. Nước mắt anh lã chã rơi xuống khuôn mặt lấm lem bụi đất của Trào. Trên túi áo phía ngực trái vẫn còn nửa nắm cơm, bê bết máu. Trào vốn tính chỉn chu, có lần anh dặn Châu trước khi xuất kích.   

- Đừng ăn hết khẩu phần. Phải chừa lại một ít. Phòng khi trận chiến kéo dài thì phải có cái ăn đỡ đói, nuôi sức mà chiến đấu.  

Nhớ đến lời Trào dặn Châu khóc nức lên!  

Đưa Trào về hậu cứ, xác Trào được đặt trong chiếc võng dù chôn dưới gốc cây xăng lẻ bên bờ suối. Châu lấy mũi của lưỡi lê gạt lớp cây khắc tên Trào lên đó.  

Vài người khác lấy bi đông của Trào viết mảnh giấy ghi họ tên, quê quán, ngày hi sinh rồi bỏ chúng vào chỗ Trào nằm.  

Ngay đêm ấy, C15 và C103 cùng đội công tác 16 của chị Ba Khanh hành quân rời cứ.  

C15 được lệnh về Phước Long, C103 nhận lệnh đánh vào ấp Chu Ninh Bù Đốp.  

Đội công tác K16 tiếp tục dẫn đường đưa C103 hành quân về hướng ấp chiến lược Chu Ninh.  

Đoàn quân đi qua một trảng cỏ rộng, thấy có dấu hiệu của bọn lính ngụy mới hành quân qua đây. Cỏ gãy rạp thành vệt còn mới. Lẫn trong cỏ, Hoan còn phát hiện một vỏ bao thuốc lá. Đơn vị được lệnh ra khỏi rừng ngay, không nghỉ lại như dự kiến.  

Tổ liên lạc dẫn đoàn đi tắt ra bìa rừng. Trước mắt họ, cánh đồng Gia Ray rộng mênh mông. Những thảm lúa xanh mướt trải dài bát ngát. Điểm xuyết vài ô ruộng cấy sớm, lúa đã ngả màu vàng. Mùi hương ruộng đồng mộc mạc thân thuộc phả nhẹ trong gió chiều. Hoan hít căng lồng ngực cái mùi hương đồng nội. Mùi lúa chín, mùa lúa đang làm đòng phảng phất.   

Xa xa, những con cò thấy có người, bay lên, chấp chới đôi cánh trắng trong ráng chiều. Cảm giác bình yên lạ. Hoan bồi hồi nhớ quê, nhớ mẹ.   

Chập choạng tối, đoàn quân vẫn đi miệt mài, nhằm thẳng hướng ấp Chu Ninh.  

Vào được ấp chiến lược đã hơn 9 giờ đêm. Ăn vội vắt cơm các anh nuôi đã chuẩn bị sẵn, tổ trinh sát cùng Hoan được đội công tác K16 dẫn đường đến đồn lính nằm ở cuối ấp.  

Địch bố trí hai trung đội gồm lính địa phương quân và dân vệ. Khảo sát kỹ tình hình, địa hình xong, tổ trinh sát của Châu cắt rào bằng kìm cộng lực. Hàng rào dây thép gai rất dày. Ba người cắt ráo riết đến tận 23 giờ 40 phút mới xong. Hoan lệnh cho bộ phận trinh sát tiếp tục dùng mìn DH10 thổi bay hàng rào tre cuối cùng.  

Ta đồng loạt xông lên, nổ súng tấn công. Bị đánh bất ngờ lúc nửa đêm, địch còn ngái ngủ, cuống cuồng vơ lấy súng. Nhiều tên chưa kịp lên nòng đã bị hạ gục. Tiếng rên la thảm thiết. Bóng những tên sống sót bỏ chạy thục mạng chập choạng trong ánh lửa rừng rực. Ta làm chủ trận địa. Dãy nhà lính bị đốt. Lửa và pháo sáng sáng rực một góc trời.  

Chính trị viên dẫn quân rút về. Hoan cùng Trung đội 1 tiếp tục hỗ trợ đội công tác K16 vào khu dân cư trong ấp chiến lược gặp gỡ trấn an nhân dân, nắm thêm tình hình, tuyên truyền về đường lối của Mặt trận giải phóng cho người dân ấp Chu Ninh. Xong xuôi, rút quân về cứ an toàn là lúc trời vừa sáng.

Tình hình có chiều hướng thuận lợi. C103 được nghỉ năm ngày dưỡng sức, nhận thêm lương thực, thực phẩm và vũ khí, chỉnh huấn, củng cố đơn vị, chuẩn bị cho trận đánh mới. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời. Lính ta lại làm đẹp cắt tóc, cạo râu, tắm gội. Đọc thư. Thư rách rồi, lấm lem bụi đất vẫn đọc đi đọc lại. Thư nhà, thư người yêu, thư bạn bè trở thành thư chung, chuyền nhau đọc khắp đại đội…

Hoan lấy trong túi dết ba lô lá thư chị dâu gửi. Nhận trước khi xuất kích, giờ mới có cơ hội đọc. Lá thư dày hơn mọi khi. Tự nhiên lòng Hoan nôn nao như lửa đốt. Thư đề ngày 1-3 tức là hơn ba tháng mới đến nơi. Đọc được vài dòng, lá thư run lên trong tay. Tim Hoan đau thắt. Nước mắt dào ra.

“Chú Hoan ơi! Chị biết chú đang chiến đấu rất nguy hiểm. Nhưng chị cũng rất đau buồn báo cho chú biết tin: Mẹ mất rồi em ạ. Mẹ ốm liệt giường hơn một tháng. Anh chị và cô chú Sâm cùng các cháu cố chăm sóc chạy chữa nhưng mẹ không qua khỏi. Mẹ lúc nào cũng nhắc đến chú. Mẹ không cho chị báo tin mẹ bị ốm cho chú vì sợ chú lo lắng ảnh hưởng tinh thần. Nhà mình có người đi B nên chính quyền đứng ra cùng gia đình lo đám tang của mẹ rất chu toàn…”

Những dòng chữ nhòa đi trước mắt Hoan. Hình ảnh mẹ hiện ra trong chiếc áo nâu, đầu đội khăn nhung đen đã bạc, tay xách chiếc làn mây đựng đủ thứ: xôi, gà, bánh, vài bao thuốc lá… cho con trai. Mẹ đứng đó bên ngoài hàng rào của đơn vị, nhìn con qua khe lưới mắt cáo. Mắt mẹ rưng rưng. Ngày ấy, nhớ con, mẹ nhờ anh rể đưa đi tìm đứa con trai út. Sắp đến ngày Nam tiến, kỷ luật của đơn vị là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thủ trưởng đơn vị chỉ linh động cho phép Hoan được chạy ra hàng rào gặp mẹ. Đôi tay già nua của mẹ chìa qua hàng rào nắm lấy tay Hoan. Hoan xiết chặt đôi bàn tay nhiều vết chai của mẹ, lòng anh nghẹn ngào thổn thức.

- Mẹ ơi! Con đây! Mẹ yên tâm giữ gìn sức khỏe. Con đi, thắng giặc con lại về!

- Ừ! Mẹ biết rồi! Con nhớ giữ gìn sức khỏe. Viết thư về luôn đấy, kẻo mẹ mong!

- Vâng! Con nhớ rồi. Con sẽ chăm viết thư về. Anh Ngọc ơi! Anh chị chăm sóc mẹ hộ em. Cả nhà mình luôn mạnh khỏe nhé.

- Cậu cứ yên tâm! Anh chúc cậu cùng đồng đội bình an!

Tiếng còi tập trung đã vang lên. Mẹ líu ríu bám chặt tay Hoan không muốn rời. Nén lòng, anh gỡ bàn tay mẹ.

- Con phải vào rồi mẹ ạ. Mẹ ơi! Mẹ về đi! Thắng giặc con lại về!

Chạy được mấy bước, ngoái lại, vẫn thấy mẹ đứng đấy, hai tay bám vào tấm lưới hàng rào, mắt dõi theo con. Lòng Hoan quặn thắt.

Thế rồi thăm thẳm xa. Những ngày chiến đấu gian khổ hiểm nguy nhất, Hoan luôn nhớ đến lời hứa với mẹ. Lúc ấy, như có một sức mạnh vô hình khiến cho anh thêm tự tin, bình tĩnh. Vậy mà hôm nay… con chưa kịp về thì mẹ đã đi rồi!

Hoan chạy ra suối, vã nước lên mặt. Anh để nước mắt hòa vào nước suối. Dòng suối lấp lánh ánh mặt trời, cuốn theo đi nước mắt mặn chát đau đớn, xót thương của Hoan. Anh chắp hai bàn tay trước ngực, hướng về phương Bắc. “Mẹ ơi! Xin mẹ thứ lỗi cho con. Con chưa kịp giữ trọn lời hứa. Con chưa thể trở về bên mẹ”. Giây phút ấy, Hoan tưởng như trên bầu trời thăm thẳm kia mẹ đang dõi mắt nhìn anh, mỉm cười lặng lẽ, đôi mắt hiền ngân ngấn nước.

Nhiều ngày sau đó, mỗi khi bàng hoàng tỉnh giấc giữa đêm khuya, Hoan vẫn thảng thốt, ngực trái nhói đau. Anh không dám tin rằng mẹ không còn nữa. Ngay cả lúc đã tỉnh, Hoan vẫn ước rằng đó chỉ là ác mộng thôi!

(Còn nữa)

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.