- Truyện ngắn
Lính miền đông (9)
Thứ sáu - 08/09/2023 18:17
TIỂU THUYẾT: LÍNH MIỀN ĐÔNG (9)
Mùa xuân đang về với Miền Đông Nam Bộ. Những vườn điều đã bắt đầu lác đác chín, quả đỏ, quả vàng xen lẫn những chùm quả còn non. Mùi hương điều hăng hắc, thơm thơm lan tỏa trong gió nhẹ. Lúc này, tiểu đoàn 168 giải thể chỉ để lại đại đội 10 bộ binh và C15 Đặc công, C14 Hỏa lực. Số còn lại bổ sung cho các K. Một số cán bộ Tiểu đoàn, đại đội được đưa về tỉnh và các huyện. Hoan được điều về làm huyện đội phó Bù Đốp. Công việc cụ thể của anh là chỉ huy, theo dõi lực lượng vũ trang của huyện trong các nhiệm vụ chủ yếu là phục kích đánh địch, hành quân chống càn hỗ trợ cho các đội, các mũi công tác đột kích ấp chiến lược, tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng cơ sở. Nhiệm vụ mới trên địa bàn xa xôi hẻo lánh giáp biên giới Cam -Pu -Chia. Các hoạt động của đơn vị phần lớn diễn ra vào ban đêm.
Bị cuốn đi theo công việc, nhưng những lúc một mình, Hoan nhớ Ý. Đã gần một năm, hai người chưa gặp được nhau. Tình hình chiến sự vẫn căng. Nghe tin có hai cán bộ ở Phước Bình được tỉnh đội điều động về tăng cường cho Bù Đốp, Hoan vội vàng tìm gặp, hỏi han tình hình. Anh bàng hoàng khi nghe tin về sự hy sinh của một người con gái da trắng tóc dài ở K11 trên đường đi công tác. Cô ấy cùng nhóm công tác đã lọt vào ổ phục kích của địch. Nghe nói cô đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ cho những đồng chí của mình chạy thoát. Bọn địch kéo xác cô ra lộ 14 cắm một tấm biển lớn bên thì thể của cô: Đã hạ sát được một nữ Việt Cộng.
Tim Hoan đau buốt. Không ai biết tên người nữ chiến sĩ. Chỉ biết đó là cô gái đẹp, tóc dài da trắng. Nếu đó là Ý... Hoan không dám nghĩ tiếp. Anh thầm cầu mong Ý được an toàn.
Phải hơn tuần sau, giao liên mới báo cho Hoan biết: Cô gái trong đội công tác của k11 hy sinh bữa trước là Cam. Ý bị thương nặng vào phổi. Vết thương vừa rộng vừa sâu. Một phần phổi bị lòi ra. Ý được đưa về bệnh viện dã chiến vết thương đang lành.
Hoan muốn về thăm Ý nhưng không thể nào về được.
Lúc này là tháng 12 năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn. Lực lượng chủ lực Miền đánh vào tiểu khu quân sự Bình Long và chi khu quân sự Lộc Ninh. Lực lượng vũ trang Bù Đốp và các đội công tác phối hợp: Một mũi đánh vào ấp chiến lược Bù Tam, sân bay Bù Đốp. Mũi này do chính trị viên Ba Cao phụ trách. Theo hiệp đồng giờ G, cối 82 của ta bắn vào đội hình ngay sát bìa ấp. Địch phản công dữ dội khiến 6 người hy sinh trong đó cả chính trị viên Ba Cao và hai cán bộ thường vụ huyện ủy. Thiệt hại quá lớn khiến cho không khí chùng xuống.
Hoan được phân công chỉ huy cánh quân thứ 2 đánh vào Chu Ninh và phát triển lên ấp chiến lược Bù Giai và chợ Phước Lục, phối hợp với cánh quân thứ ba do Sáu An chỉ huy cùng lực lượng đặc công đánh vào đồn dân vệ Bù Giai nằm trên đường 13 khu vực gần chợ, sau đó phát triển lên chợ Phước Lục, bắt tay cùng cánh Chu Ninh tại chợ. Hai cánh này đều phát triển thuận lợi.
Ngày 7/4/1972 Lộc Ninh giải phóng. Niềm hân hoan như nước trào dâng. Ngày 8/4, Bù Đốp cũng hoàn toàn giải phóng. Lộc Ninh, Bù Đốp giải phóng đã tạo ra thuận lợi to lớn cho đường hành lang chiến lược Trường Sơn để vận chuyển sức người sức của từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Lộc Ninh từ đây đã trở thành thủ phủ của Ch ính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, là hậu phương chiến lược của tỉnh Bình Phước và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ.
Niềm vui nối tiếp niềm vui đối với Hoan. Gặp lại Ý là ngày đầy bất ngờ và hạnh phúc. Khi liên lạc báo:
- Có đồng chí Ý bên K11 muốn gặp thủ trưởng ạ. Hoan còn chưa tin vào tai mình. Anh hỏi lại:
- Cậu vừa nói ai bên K11?
- Dạ báo cáo đồng chí ấy tên là Ý.
Hoan chạy vội ra cửa. Đúng là Ý rồi! Ý bằng xương bằng thịt đang trước mắt anh. Hoan gọi như reo.
- Ý! Anh vừa gọi vừa chạy lại. Ý cũng đi như chạy về phía Hoan, nước mắt rươm rướm, mặt đỏ bừng.
Nỗi mừng vui xen lẫn tủi buồn sau bao ngày dồn nén tuôn theo những giọt nước mắt của Ý. Hoan không ngờ Ý chủ động đến thăm anh. Ý gầy và xanh xao. Thời gian cô bị thương, anh không thể thăm cô được. Vậy mà vừa lành vết thương, Ý đã không quản đường xa nguy hiểm đến thăm anh.
Trò chuyện cùng nhau, Hoan mới biết cấp trên cho Ý đi an dưỡng một thời gian cho lại sức rồi chuyển cô ra Bắc. Được nghỉ tại trạm giao liên gần đó nên Ý đến thăm. Hoan lặng im hồi lâu. Anh vừa mừng vì Ý có cơ hội được nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe vừa thấy hụt hẫng trong lòng nghĩ đến những tháng ngày cách xa sắp tới. Ý nói nhỏ:
- Em sẽ không ra Bắc nữa!
- Sao vậy em?
- Em không muốn. Từ đây ra ngoài đó xa xôi quá, biết khi nào chúng mình mới được gặp nhau!
Em sẽ xin an dưỡng ở đây thôi!
Hoan vui hẳn lên.
- Anh sẽ xin phép lãnh đạo của huyện Bù Đốp và lãnh đạo huyện Phước Bình. Chúng mình cưới nhau em nhé!
Ý không nói gì, đôi mắt ngấn nước long lanh, đôi gò má ửng hồng, cô mỉm cười hạnh phúc.
Đám cưới tổ chức tại nơi đóng quân của đại đội bộ binh trong những lô cao su xanh ngát trải dài cách chợ Bù Đốp không xa lắm. Không khí vui tươi tràn ngập trong đơn vị. Bà con sinh sống trong khu vực lân cận cũng tò mò háo hức đến chia vui. Các chiến sĩ trổ tài săn thú rừng và bắt cá, trổ tài nấu nướng. Tiệc cưới có đủ món ngon. Tiếng cười lời chúc mừng hạnh phúc rộn ràng. Quà cưới là những cây bút máy, cuốn sổ tay, những chiếc lược, chiếc gương xinh xắn. Chỉ tiếc không có cha mẹ họ hàng của cả chú rể và cô dâu. Lãnh đạo hai đơn vị không chỉ chia vui mà còn tặng quà và dặn dò vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Tiệc cưới tự biên tự diễn, văn nghệ cũng tưng bừng náo nhiệt: toàn những bài hát của lính: Chiếc gậy Trường sơn, Cô gái mở đường, Lá xanh, có cả Ru con Nam Bộ... Đám cưới kéo dài từ 5 giờ chiều đến tận 9 giờ đêm.
Cưới vợ được hơn một tháng, Hoan được đi học tại trường Sĩ quan Miền Đông, phiên hiệu là H28 sau đổi thành trường Quân Chính sơ cấp Miền ở Tây Ninh. Những ngày tháng được học tập, huấn luyện chính qui khiến anh trưởng thành lên rất nhiều. Việc học tập không quá gian khổ như hồi ở đơn vị chiến đấu. Hoan giành thời gian rảnh ghi chép lại những suy nghĩ của mình về những bài giảng. Đây là công việc anh say mê. Thỉnh thoảng, học viên trường quân chính được xem phim. Những bộ phim tư liệu về chiến tranh cách mạng hào hùng của Việt Nam và những nước trong phe Xã hội chủ nghĩa. Trong phim có những nhà báo chiến trường. Họ xông pha nơi mặt trận như những người chiến sĩ. Máy ảnh trên tay, họ ghi lại những hiện thực khốc liệt ngoài mặt trận. Đem những hình ảnh chân thực nhất về những người người chiến sĩ đến với nhân dân. Hoan rất muốn được như họ. Nhưng nhiệm vụ của anh là học tập để trở thành sĩ quan chỉ huy ngoài mặt trận. Mỗi bài giảng hoặc nghe thêm tình hình chiến sự, đều đem đến cho Hoan những hiểu biết quí. Hoan ghi chép lại làm vốn cho mình. Anh muốn khi về sẽ đưa cho Ý đọc. Tập ghi chép của Hoan ngày một đầy thêm. Viết xong, đọc lại, Hoan thấy nó như những trang nhật ký.
“Hôm nay là ngày học tập đầu tiên ở ngôi trường quân chính Miền của mình. Ngôi trường nằm sâu trong vùng giải phóng. Kỷ luật rất nghiêm. Các thầy đều là những sĩ quan cấp cao. Buổi học đầu hôm nay, được nghe giảng về lập trường quan điểm của người sĩ quan chỉ huy. Được mở mang nhiều nhưng tâm đắc nhất là những yêu cầu về sự nhạy bén, sáng suốt, quyết đoán, qui tụ được tinh thần đồng đội, phải là người luôn gương mẫu, đi đầu trong công việc; người chỉ huy phải biết cảm thông và yêu thương chiến sĩ.”
“Đã hai ngày được trở thành “sinh viên chiến trường”. Tự thấy mình dần trưởng thành hơn trong nhận thức và ý thức”.
Buổi chiều nay xem phim tư liệu về Chiến tranh chống Mỹ ở Miền Đông Nam Bộ. Quả thực bộ phim khiến mình không thể rời mắt khỏi màn hình. Bây giờ mới biết cụ thể về vị trí địa lý cũng như tầm quan trọng của nơi mình đã và đang chiến đấu. Thì ra những người lính như mình, anh Lê, Ý... đang vinh dự được đứng trong đội ngũ hào hùng bất khuất của những người Lính Miền Đông. Mình đã đến với Miền Đông Nam Bộ và trở thành người con của mảnh đất này. Đây là miền đất đỏ Ba Zan kéo dài từ Nam Tây Nguyên xuống tới chiến khu Đồng Tháp Mười. Rộng lớn. Mênh mông. Nơi đây có những cánh rừng bạt ngàn dựa lưng vào núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ và cao nguyên Bô-lô-ven của đất nước Triệu Voi. Mảnh đất được chở che bởi những cánh rừng hiểm trở của đất nước Cam Pu Chia. Miền Đông còn vươn ra tới biển ở hướng Đông Nam. Miền Đông là nơi che giấu những binh đoàn lớn, nó cũng là nơi nuôi dưỡng những binh đoàn không ngừng lớn mạnh”.
Bài học hôm nay lại được biết thêm:
“Miền Đông đang trỗi dậy cùng sự ra đời của Sư đoàn 5, sư đoàn 7, sư đoàn 9. Với sự phát triển của cách mạng trên vòng cung của chiến trường Đông Nam Bộ, sự ra đời của những sư đoàn chủ lực là nội lực làm nên chiến thắng. Sư đoàn 7 bộ binh lấy mật danh là “công trường 7”. Sư đoàn 7 được thành lập tại khu rừng già Phước Long. Nơi ấy, mình đã cùng anh chị em đồng đội băng rừng chuyển đạn, và lương thực, nhu yếu phẩm về các kho dã chiến. Nơi ấy mình đã cùng những người dân chạy giặc chống càn trú lại dưới cơn mưa tầm tã. Nơi ấy là nơi Ý của mình đang sống và chiến đấu...
Lại nhớ Ý rồi! Thôi! Phải dừng lại! Không được miên man nữa. Ngủ để mai còn tiếp thu bài cho tốt.
“Những ngày học tập ở trường là những ngày hạnh phúc. Niềm vui lớn nhất của mình là được gặp anh Lê. Bây giờ anh đã là Thầy chủ nhiệm của mình với quân hàm trung tá. Anh Lê là trưởng ban tác chiến của sư đoàn 7 trong chiến dịch Nguyễn Huệ... Gặp lại, hai anh em đều mừng vui khôn tả. Hơn 6 năm xa cách anh Lê già hơn, đen hơn nhưng nụ cười, ánh mắt vẫn như xưa”.
Chiều nay, sau giờ học, anh Lê rủ mình lên phòng anh.
Anh hỏi về đơn vị cũ, về chuyện của mình và Ý. Anh Lê, hiểu biết rộng và phân tích vấn đề sâu sắc. Anh từng là trưởng ban tác chiến sư đoàn 7. Mình rất mê nghe anh Lê kể về Sư đoàn 7 và chiến dịch Nguyễn Huệ góp phần đánh bại chiến lược Việt Nam Hoá Chiến Tranh của Mỹ.
Ở Miền Đông Nam Bộ chiến dịch tiến công của đoàn 301 - Mật danh Trung Ương Cục và Bộ Chỉ Huy Miền và các đơn vị bộ đội chủ lực Miền mang tên chiến dịch Nguyễn Huệ. Hướng chủ yếu, các sư đoàn 5,7 và 9 đột phá tuyến phòng thủ của địch trên đường 13. Hướng thứ yếu, một trung đoàn chủ lực mới được tổ chức thành Đoàn 30 B tiến công nghi binh thu hút địch trên đường 22 và khu vực thị xã Tây Ninh.
Vào thời điểm này, quân Ngụy đã rút bỏ vị trí ở Cam -Pu -Chia về phòng thủ ở miền Nam. Chúng lấy đường 22 Bắc Tây Ninh là hướng phòng ngự chủ yếu. Trên hướng đường 13 chúng bố trí lực lượng ít hơn. Phía Bắc Bình Long có chiến đoàn 7 sư đoàn 5, chiến đoàn 52 sư đoàn 18, chiến đoàn 9 sư đoàn 5 và trung đoàn xe tăng thiết giáp ở Chi khu Lộc Ninh. Lực lượng Bảo An, Dân Vệ, Biên Phòng cùng 3 tiểu đoàn Biệt Động đóng tại tiểu khu Bình Long, chi khu An Lộc, chi khu, Tống Lê Chân, Minh Hoà, Minh Thạnh…
Quốc lộ 13 là đường giao thông huyết mạch chạy từ cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn qua Bình Dương, Bình Phước dài qua biên giới Việt Nam Cam Pu Chia sang Cam -Pu-chia và Lào. Gần chiến khu D nên địch lập tuyến phòng thủ khá mạnh. Đoạn từ Lại Khê lên thị xã Bình Long, địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó có đoạn từ ngã ba Xóm Ruộng tới Tân Khai là khu vực trọng yếu nhất. Tư lệnh đoàn 301 giao cho sư đoàn 7 “Luồn vào đánh chặn cắt giao thông ở hai đoạn Bắc và Nam thị xã Bình Long”. Nhiệm vụ cốt yếu là phải bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ bằng được khu vực Tầu Ô để tạo điều kiện và thời cơ cho chiến dịch dứt điểm chi khu Lộc Ninh, tiến công lên Bình Long đồng thời tạo bàn đạp và đầu cầu vững chắc cho chiến dịch phát triển xuống Lai Khê, Bến Cát hoặc sang Tây Ninh.
Ngoài số tân binh được bổ sung, sư đoàn rút tỉa hơn 600 cán bộ chiến sĩ từ các cơ quan phân đội phục vụ đưa về đơn vị chiến đấu. Tiểu đoàn có hai đại liên, hai cối 82 ly. Trung đoàn có 3 đại đội hỏa lực cối 82, DKZ75mm. Lực lượng mới bổ sung gồm tiểu đoàn 22 cối 120mm, tiểu đoàn 24 súng máy 12,8mm, đại đội hỏa tiễn chống tăng B72 và đại đội phòng không A72. Các đơn vị Đại đội 94 Công binh phát triển thành Tiểu đoàn công binh. Hai đại đội trinh sát 93 và 95 phát triển thành tiểu đoàn trinh sát. Đại đội 96 vận tải thành tiểu đoàn 29 vận tải. Đại đội 97 quân y thành tiểu đoàn 33 quân y.
Việc chuẩn bị đã sẵn sàng, công tác điều nghiên đã kĩ lưỡng. Nắm rõ địch mới đưa lên Lộc Ninh, Bù Đốp một trung đoàn thiết giáp, một chiến đoàn bộ binh. Toàn bộ lực lượng cơ động của quân đoàn 3 Nguỵ vẫn còn ở phía sau. Khi ta mở chiến dịch, địch sẽ cố giữ An Lộc. Chúng sẽ ứng cứu bằng đường không. Cố lắm chúng cũng chỉ đưa được một chiến đoàn, còn lại sẽ phải lên bằng đường bộ. Vì vậy việc chặn cắt đường 13 đoạn Nam An Lộc của sư đoàn 7 là hết sức quan trọng.
Muốn ngăn chặn triệt để quân địch thì phải lập chốt chặn chiến dịch. Phải tăng cường hỏa lực, Do chốt dài ngày nên phải có nhiều trận địa. Ngoài chốt chính phải có hai đến ba chốt bổ trợ.
Ngày 1/4/1972 sư đoàn được lệnh hành quân. Lúc này, mạng thông tin vô tuyến điện mới thiết lập chưa hoạt động. Mọi chỉ thị, mệnh lệnh, báo cáo đều được các chiến sĩ thông tin trực tiếp mang đi. Từ đêm ngày 4 đến chiều ngày 7/4 năm 1972 trong khi sư đoàn 5 tiến công địch ở Chi khu Lộc Ninh thì sư đoàn 9 áp sát, chuẩn bị tiến công tiểu khu Bình Long. Các đơn vị sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt các đồn bốt bảo an, dân vệ, các lực lượng nòng cốt ra hoạt động vòng ngoài địch.
Cuộc đọ sức quyết liệt diễn ra giữa ta và địch trên đường 13 liên tục suốt 150 ngày đêm. Quyết liệt nhất là đoạn Nam - Bắc Tàu Ô.
Đến cuối tháng 6/1972, quân Nguỵ đã tung ra hơn một nửa lực lượng cơ động vùng 4 chiến thuật và một bộ phận lực lượng tổng trù bị chiến lược. Địch đã hơn chục lần dùng pháo đài bay B52 gần tám ngàn lần máy bay chiến thuật ném gần bốn mươi ngàn tấn bom, gần năm ngàn lượt máy bay trực thăng vũ trang của Mỹ và hơn sáu mươi khẩu đại bác các loại trực tiếp bắn yểm trợ. Chúng dùng nhiều thủ đoạn đánh phá: Đội hình lớn có xe tăng mở đường, máy bay chiến thuật nhảy cóc đổ chụp, khi thì chia thành nhiều hướng, lúc lại hợp vây. Nhưng không một tên địch hoặc một chiếc xe nào vượt qua được Tàu Ô lên An Lộc. Các chiến đoàn, nhiều tiểu đoàn của địch bị đánh thiệt hại nặng nề phải lui về phía sau củng cố. Vui nhất là nghe anh Lê kể về tướng Nam Long. Mình đã nghe danh ông từ lâu. Nghe anh Lê kể càng thêm ngưỡng mộ.
- Sư đoàn trưởng Nam Long được gọi bằng cái tên Năm Lửa. Ông nóng tính. Đụng chuyện là la lối um lên. Nhưng cũng dễ nguội. Ông nổi tiếng là người chỉ huy quyết đoán. Kỷ luật thép nhưng nhân hậu.
Ngày mới được điều về làm trợ lý tác chiến, Lê cùng ông Năm Lửa và tổ trinh sát đi thị sát tình hình điều nghiên trận địa. Đêm đen đặc, Đội công tác vừa tới gần khu vực hàng rào thép gai thì địch bắn pháo.
Tất cả vội nằm sấp xuống. Dứt đợt pháo, Lê lồm cồm ngồi dậy sờ soạng phát hiện thân người ấm ấm phía dưới bụng. Còn chưa hiểu điều gì xảy ra thì ông Năm ngồi dậy. Ông nắm hai tay Lê:
- Cảm ơn cậu! Cảm ơn đã lấy thân che đạn pháo cho anh!
Lê hoảng quá
- Báo cáo... Dạ em... em xin lỗi! Tối quá, em có nhìn thấy thủ trưởng đâu!
- Cậu này! Đã cứu anh lại còn khiêm tốn!
- Dạ không!
- Không cái gì! Cám ơn cậu! Người anh em tốt!
Vừa nói, ông vừa lắc lắc tay Lê. Vết thương chỗ bả vai Lê đau buốt, ông Năm bất chợt kêu lên - Chết cha! Cậu bị thương rồi!
Ông lần mò trong bóng đêm tìm băng gạc băng vết thương cho Lê.
Trên đường điều nghiên trở về, ba trinh sát đi trước, ông Năm và Lê đi sau. Còn chừng hơn hai chục mét nữa là về đến hầm. Ông Năm vui vẻ:
- Chuyến này thuận lợi. Ta đã nắm rõ tình hình trận sắp tới đây sẽ thắng to!
Bỗng mìn bọn địch cài trên mép đường phát nổ. Bóng Hậu trinh sát lảo đảo rồi ngã xuống. Lê đang dùng cánh tay lành xốc Hậu dậy thì ông năm gạt ra.
- Để anh! Ông bế Hậu trên tay chạy băng về doanh trại. Vết thương rách toang lồng ngực. Hậu không qua khỏi. Ông Năm vuốt mắt cho Hậu. Ông khóc:
- Thôi ngủ đi nhé con trai!
Trước mắt mọi người lúc ấy hình ảnh người chỉ huy dạn dầy, nổi tiếng là nghiêm khắc không còn nữa chỉ còn một người cha đang rơi nước mắt nước sự hy sinh của con mình. Chiến dịch Nguyễn Huệ càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Bọn địch rất ranh ma. Chúng theo dõi sát sao hoạt động của quân đoàn 4 nhất là sư đoàn 7. Thám báo của địch được huấn luyện kĩ càng. Chúng biết nơi nào có sự xuất hiện của sư đoàn 7 là nơi đó sắp có đánh lớn xẩy ra. Chúng tìm cách bắt sóng liên lạc của sư đoàn xuống các trung đoàn và các đơn vị trực thuộc để xác định vị trí đứng chân và kế hoạch tác chiến của sư đoàn.
Lính sư 7 hay kháo nhau về tuyệt chiêu lừa địch, thắng địch bằng thông tin Nghệ ngữ của thủ trưởng Năm. Qua nhiều lần chuyên gia giải mã của địch giải được nội dung các bức điện khiến quân ta hy sinh nhiều. Kế hoạch tấn công có khi thất bại, ông Năm nghĩ ra kế sách: Tuyển vài chiến sĩ thông tin người Nghệ An chính gốc trực hai đầu dây. Mỗi bức điện đều được sử dụng bằng các thổ ngữ quê nhà líu lo như chim hót. Thủ trưởng cũng là người cùng địa phương nên hiểu ngay. Bọn địch bắt được điện nhưng tất cả các chuyên gia của chúng cũng bó tay không thể nào dịch được ra nội dung bức điện. Vì thế bí mật được đảm bảo. Các đợt tiến công của ta giành nhiều thắng lợi, bớt thương vong.
Đó là chuyện kể vui nhất của Sư đoàn 7 nói riêng và Quân đoàn 4 nói chung.