- Góc chia sẻ
Thắp hương
Chủ nhật - 04/02/2024 16:32
(Ảnh: St)
THẮP HƯƠNG
(Dương Chính Chức)
Có 1 ông thầy chùa mà ai cũng biết là ai hướng dẫn tỉa chân hương dịp cuối năm, ý chính là (1) tỉa hằng ngày, không cần đời dịp ông Công ông Táo, (2) tỉa thì để lại ít chân nhang cho có tính tiếp nối, Phật tử tại gia để 3 chân, ý Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, còn người thường để 5 với ý ngũ phúc, 5 đời, (3) không để số chẵn kiểu 2, 4 vì không có trung tâm.
Qua những gì mình đọc, nghe thì chuyện hương đăng nó khác.
1. Thực ra thì Nhà Chùa không nên bàn về cái việc thắp nhang hương vì nó là tục lệ Nhà Chùa đi mượn từ các tín ngưỡng khác chứ vốn Đạo Phật không dùng hương nhang.
2. Nói về thờ cúng ở chùa, nhiều nước, họ thắp nến, không thắp hương, đôi khi chỉ đốt nụ, thanh, vòng hương trầm cho thơm chứ không dùng để cúng. Như ở Hàn, vào chùa không thắp hương mà mua 1 túi gạo, đậu nhỏ đặt lên. Ở nhà người Hàn không có bàn thờ, giỗ ai thì bày biện đồ ăn, rồi thắp nến, xong lễ thì dọn, cất đi. Nhiều chùa ở Nhật, Thái, Lào, Trung Quốc cũng không thắp hương.
3. Hình như chỉ ở VN, TQ mới có bàn thờ gia tiên-thổ địa, thờ Phật trong nhà, hình như thôi chứ mình không chắc. Hương thì có tàn, và tàn rụng. Đã thắp hương thì phải dọn, dọn để cho sạch, để phòng cháy, thế nên ta có thể bao sái hằng ngày. Bao sái cho sạch sẽ thì chả ai, chả thế lực nào quở phạt cả.
4. Số chân hương và số nén hương thắp.
- Hương đăng, trong dân gian ở Việt Nam và một số nước, ý nghĩa ban đầu là dùng để kết nối với người bên kia, đèn soi - hương dẫn, dần dần trở nên phức tạp và được gắn với nhiều quy tắc, quy định. Kết nối vốn dĩ bằng tâm, dĩ tâm truyền tâm, chân thành là đủ. Cả cái địa cầu này, số người, số nước kết nối với bên kia bằng hương đăng rất ít, chả lẽ phần còn lại của thế giới không thể kết nối với bên kia vì thiếu hương đèn?
- Để lại ít chân hương cho có tính tiếp nối thì cũng hợp lý. Với ý là dọn dẹp, thế nên chỉ cần để lại thật ít, thường thì 1, 3 hay 5 chân, quá 5 thì lại thành nhiều, mất ý nghĩa dọn dẹp. 3 nén Tam bảo, 5 nén ngũ phúc, đấy là sự gán nghĩa khiên cưỡng, chủ quan.
- Không để số chẵn chẳng phải do không có trung tâm, ở giữa mà xuất phát từ quan niệm chẵn âm, lẻ dương, âm đại diện âm giới, dương đại diện dương thế. Ví dụ như thắp hương, người sống trên dương thế thắp hương cho âm giới thì thắp số lẻ vì đó là thứ người dương thế làm, kể cả chỉ cần 1 nén. Đồ trên mâm cũng cũng là số lẻ (số đôi đũa, số bát, số món...).
- Có quy tắc đốt hương vòng khá phổ biến là để hương cháy theo chiều ngược kim đồng hồ. Theo chiều kim đồng hồ là theo dòng thời gian tiến về lão, tử, là hướng âm. Để tăng sinh, tăng trưởng thì cho cháy theo chiều ngược kim đồng hồ. Cái này nói để giới thiệu chứ mình không biết thực hư thế nào. Có điều chắc chắn là hương vòng không dùng để cúng thay hương thẻ.
- Thắp hương bàn thờ Phật thì tùy vì cõi Phật chẳng phải dương, chẳng phải âm, vì nơi đó chẳng thuộc ngũ hành, nằm ngoài tam giới, thậm chí bàn thờ Phật không cần thắp hương. Khi vào chùa, chỉ cần đứng 1 góc, im lặng, chắp tay, nhớ đến Phật, cảm ơn Phật đã chỉ đường, hứa với Phật là sẽ đi theo, làm theo, thế gọi là tâm hương, vừa thực chất, vừa giữ cho chùa sạch sẽ, chống hỏa hoạn. Nhiều chùa, đền, người vào thì đông, ai cũng lăm lăm 3 nén, 5 nén hương đốt sẵn, chen nhau cắm, nghi ngút ngột ngạt. Nhưng cũng đã có chùa treo biển đề nghị không thắp hương rồi.
5. Nhà Chùa vốn phải giảng giải, giúp phá chấp niệm vào hương đăng, phá chấp niệm vào đốt vàng mã, phá chấp niệm vào việc cúng dường bằng tiền... chứ không phải hướng dẫn thắp hương. Hương đăng vốn là việc của mấy ông thầy đạo, thầy cúng.