- Góc chia sẻ
Sám hối và Niệm Phật
Thứ ba - 13/02/2024 17:35
(Ảnh: Lam Châu)
SÁM HỐI VÀ NIỆM PHẬT
"Sám hối" (懺悔) là ăn năn hối lỗi về những sai lầm mình đã mắc phải. Có từ điển giải thích rằng “sám” 懺 là dịch âm tiếng Phạn "kṣama", nghĩa là dung nhẫn. Cái này thì mình cũng không biết có đúng không. Sám hối, bên tiếng Việt dùng ít chứ bên tiếng Hàn dùng khá phổ biến (참회).
Vậy sám hối, tức ăn năn hối lỗi thì có tác dụng gì không?
Liên quan đến tam nghiệp Thân Khẩu Ý, Đức Phật nói “Ý dẫn đầu các pháp” nên “Tội từ tâm sanh, tội từ tâm diệt”. Ý nghiệp là nặng nhất, kiểu nếu ghét ai mình đánh họ cũng không nặng bằng mình chửi họ, nhưng nặng nhất vẫn là kẻ đứng im nhìn đối phương, miệng mỉm cười hiền từ nhưng trong đầu lại văng vẳng "tao cầu cho mày chết đường chết chợ". Vậy nên, sám hối, tức ăn năn hối lỗi là một trong những cách tu Ý nghiệp, tức sám hối là cách rất có hiệu quả. Tu được Ý thì sẽ dẫn đến tu được hành, tức là thực hiện hành động thực tiễn. Chính vì thế nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn có nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là trước là ăn năn lỗi, sau là chừa bỏ lỗi. Biết lỗi, bỏ, không tái phạm.
Có một điều là cái sám hối, cái sự ăn năn hối cải ấy nó phải chân thành chứ không phải làm cho có. Ngoài đời, cũng có lời xin lỗi chân thành, dễ được chấp nhận, xin lỗi cho xong thì càng thêm gây oán. Vậy nên sự sám hối chân thật, dù chỉ làm 1 lần chắc chắn ngăn được nghiệp chướng vì cải tâm tính sẽ tạo thiện hành, lìa xa cái ác, cái sai. Còn làm cho có thì sám hối hai lần, hai trăm lần cũng vô nghĩa, chưa kể làm mất thời gian của bản thân và nhiều người khác. Ta biết vậy để không dè bửu sự sám hối một cách bừa bãi.
2. Chỉ niệm Phật, Bồ tát thì có tiêu trừ ác nghiệp không?
Niệm cũng là một cách tu tâm tu ý. Khi niệm hồng danh Phật, Chúa, Bồ tát, thánh thần...một cách chân thành, nhập tâm sẽ khiến ta thích làm điều thiện, sợ làm điều ác, từ đó khiến mình trở thành người tốt hơn. Có nghe nói rằng nếu niệm nhập tâm sẽ tạo năng lượng, sẽ linh ứng. Cái này đúng sai thế nào mình không dám lạm bàn vì không đủ trình độ nhận biết, phân tích. Tuy nhiên, dù là thế thì điều đó cũng chỉ giúp ta ngăn làm điều ác, ngăn tạo nghiệp xấu trong tương lai chứ không thể tiêu trừ cái nghiệp ác đã gánh, việc xấu đã làm.
Ví dụ như một người vừa đoạt mệnh một người, thì dù có hối lỗi, nhất tâm lẩm bẩm nghìn lần rằng "tôi sai rồi, tôi xin lỗi" thì cũng không thể biến việc đã có thành không, không thể làm người chết sống lại. Chỉ là nếu biết sai thì sẽ không tái phạm, không đoạt mạng ai nữa, thế thôi.
Phật không thay đổi được nghiệp của ai mà chỉ hướng dẫn cách để người ta làm việc tốt, lìa việc ác, qua đó tích thêm thiện nghiệp, bớt tạo nghiệp xấu.
Vậy nên cứ sám hối, cứ niệm, miễn là biết cần sám hối như thế nào và niệm thế nào và để làm gì.