- Trang văn
Màu nhiệm
Thứ tư - 29/01/2020 21:34
Từ nhỏ, tôi sống với ông bà nội. So với lũ trẻ trong xóm ngày ấy tôi là đứa sướng nhất vì có cả bố và mẹ đều làm cán bộ. Hơn nữa, tôi lại là cháu đầu nên được ông bà cưng chiều lắm.
Ông bà tôi sinh được sáu người con: Hai trai, bốn gái, bố tôi là anh cả. Các cô tôi, người ra ở riêng, người còn đi học. Riêng có chú Tề là tôi chưa gặp lần nào vì khi mẹ sinh tôi thì chú đã xung phong vào bộ đôi được một năm rồi. Nghe kể, chú đánh giặc ở mãi tận miền Nam. Ông tôi vẫn thường theo dõi tin tức trên đài, mỗi khi nghe tin quân ta thắng trận, ông vui vẻ và phấn chấn lắm. Bà tôi, từ dạo nghe tin đồn chú tôi hy sinh, mặc dù chưa có giấy báo tử, cũng chẳng có giấy tờ xác minh nào, bà tôi gày rộc hẳn đi, hai mắt trũng xuống. Nhiều lần tôi để ý, tôi thấy là hay khóc một mình...
Nhà tôi đất rộng, hai mảnh vườn trước và sau chủ yếu là chè và cây ăn trái. Thường thì, ngoài việc đồng áng, bà lại chăm chút cho hai mảnh vườn này. Mùa nào thức ấy, tôi được ăn đủ loại trái ngon: Cam, táo, ổi, chuối… Và đặc biệt là mít. Nhà tôi có tới bốn cây mít dai, to đến cả người ôm. Bà tôi quý mấy cây mít này lắm. Có lần bà kể, giọng chùng hẳn xuống: Chú Tề ngày còn ở nhà nghịch lắm, thoắt cái đã thấy ngồi chót vót ở chỗ cái chạc ba kia, quần áo thì cái nào cũng bê bết nhựa. Có năm, đến mùa mít chín, sáng dậy ngửi thấy mùi thơm, bà ra kiểm tra đã thấy hạt và xơ mít rơi vương vãi, lại cứ tưởng là chuột ăn. Vài lần như vậy, ông mới bảo: Để tôi lên chặt nốt mấy quả kia xuống, “xanh nhà hơn già đồng bà ạ”. Thế rồi miệng nói, tay làm. Ông vác thang trèo lên cây. Bà thấy ông cứ loay hoay mãi trên ấy nên sốt ruột hỏi vọng lên:
- Có còn quả nào bị chuột khoét nữa không ông?
Ông tủm tỉm cười:
- Có, có đấy! Còn những hai, ba quả nữa cơ!
Rồi ông cẩn thận chặt một quả, ròng dây xuống để bà đỡ:
- Đấy bà nó xem! Cái hĩnh chuột này thì có đáng đánh không cơ chứ!
Bà đỡ quả mít đặt xuống đất rồi tròn mắt ngạc nhiên trân trân nhìn vào cái cọc ai đã đóng vào đó tự bao giờ, dòng nhựa chảy ra đã khô cả lại, ngả màu vàng sậm. Bà nhíu mày suy nghĩ một giây rồi như chợt hiểu, bà kêu lên:
- Thật đúng là cái thằng... nghịch hết chỗ nói!
.....
Miếng bà kể nhưng đôi mắt lại đăm đắm nhìn lên những cành cây trên kia, như thể chú Tề của tôi vẫn đang ngồi vắt vẻo ở đó và đang mỉm cười với bà vậy. Kể xong, bà thở dài :
- Mới đấy mà đã gần chục năm rồi...
….
Mùa xuân năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người con của quê tôi đi chiến đấu, ai còn đều đã lần lượt trở về. Riêng chú Tề tôi vẫn biệt vô âm tín. Ông tôi cương nghị là thế mà nhiều lúc tôi thấy ông như người thất thần, đứng ngồi không yên. Ông già và ít nói hẳn đi. Còn bà tôi thì ngã bệnh, ốm liệt giường. Bố mẹ tôi phải xin nghỉ phép để lo thuốc thang chạy chữa cho bà. Đến khi gượng dậy được, bà gọi mẹ tôi lại và thì thầm điều gì đó có vẻ hệ trọng lắm, rồi bà lau nước mắt...
Mẹ tôi mời ông và bố ra sau nhà bàn bạc rồi mẹ tất tả đi luôn. Lúc mẹ về, tôi thấy lỉnh kỉnh bao nhiêu là thứ. Mãi sau này tôi mới biết bà bảo mẹ đi chợ, làm cơm cúng chú tôi. Bà tôi yếu đi rất nhiều, nhưng từng đêm, tôi vẫn thấy bà lần tràng hạt và cầu khấn rất lâu, ánh mắt xa xăm như đang nhìn vào cõi hư vô.
Thế rồi, cho đến một ngày... tôi vẫn còn nhớ như in, hôm đó là chủ nhật. Cả nhà tôi đang quây quần bên bữa cơm chiều thì chị Sáu ở đâu chạy vụt vào, thở hổn hển, nói không ra hơi:
- Ông bà Tương ơi! Chú....chú Tề về rồi !
Cả nhà tôi sững sờ. Ông tôi bật dậy, đánh rơi bát cơm đang cầm trên tay:
- Cháu... cháu nói sao?
- Vâng, cháu vừa ở trên xã về đến đầu làng thì gặp chú. Không thể lầm được. Cháu chạy vội về để báo tin cho ông bà. Mọi người đang ở đó, đông lắm!
Sau giây phút bàng hoàng, cả nhà tôi cùng lao ra đường.
Chú tôi về thật! Chú đang bước đi giữa đám đông, già có, trẻ có. Ai cũng hoan hỷ... Bọn trẻ con líu ríu chạy quanh và reo lên:
- Chú bộ đội về làng! Chú bộ đội về làng!
Mấy người già thì bảo nhau:
- Thật phúc đức cho ông bà Tương quá!
Còn tôi, mặc dù chưa được gặp chú lần nào nhưng tôi vẫn dễ dàng nhận ra chú trong bộ quân phục bạc màu sương gió. Trong suy nghĩ và trí tưởng tượng của tôi, chú vẫn giống như trong tấm hình chú chụp trước ngày ra trận. Còn bây giờ, trước mắt tôi là một chú bộ đôi oai phong, dù chú có hơi gầy, da mai mái như người vừa sốt rét. Gương mặt chú hao hao giống ông, còn đôi mắt thì y như của bố tôi vậy.
Thấy ông tôi chạy đến, mọi người đứng giãn cả ra. Ông đứng sững lại như muốn ngắm kỹ xem có phải thằng Tề của ông đây không. Rồi ông nói, giọng như nghẹn lại:
- Tề! Về đấy con?
Chú tôi ôm chầm lấy tấm thân gày guộc của ông đang run lên bần bật:
- Thầy ơi! Con đây! Con đã về!
Tất cả mọi người có mặt ở đó đều không cầm được nước mắt. Nước mắt của ngày gặp mặt.
Lúc bấy giờ tôi mới để ý còn thiếu một người, đó là bà tôi. Tôi tìm trước, tìm sau không thấy bà đâu cả. Tôi bỏ chạy về trước và sửng sốt thấy bà vẫn đang ngồi trước ban thờ, tay lần tràng hạt, gương mặt bình thản một cách lạ lùng. Tôi chạy đến bên bà và nói thật to: Bà ơi! Chú Tề về thật rồi! Bà tôi ngồi lặng đi giây lát rồi nói chậm rãi nhưng dứt khoát: Bà tin là thế nào cũng có ngày hôm nay. Rồi bà chắp tay hướng lên ban thờ: A Di Đà Phật !
Đến lúc ấy, mọi người cũng vừa về đến. Chú tôi nước mắt lưng tròng, chỉ kịp thốt lên một tiếng “ U” rồi ngã vào vòng tay của bà khóc như một đứa trẻ.
- Đêm nào u cũng mơ thấy con còn sống và nhất định con sẽ trở về.
Mắt bà nhòe đi, giống như bao lần tôi bắt gặp trong những lúc bà chỉ có một mình.
... Năm ấy, cả gia đình tôi đón một cái Tết thật vui trong sự xum họp của tất cả mọi người. Bố tôi chuẩn bị một bánh pháo thật to, còn chú tôi thì mang về mấy băng pháo hoa. Phút giao thừa, ông châm pháo nổ, chú bắn pháo hoa. Tiếng pháo ran trời thi cùng ánh sáng muôn màu lung linh mãi không thôi... 11 năm kể từ tết Mậu Thân năm ấy, gia đình tôi mới được có một cái Tết vui đến như vậy.
Qua các câu chuyện chú kể, tôi được biết: Sau khi nhập ngũ, chú học qua một khóa huấn luyện ngắn rồi cùng đơn vị tiến thẳng vào Nam, nơi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trở lên quyết liệt hơn bao giờ hết. Thời gian đầu, chú làm giao liên, song qua thử thách, với bản lĩnh lanh lợi, dũng cảm và mưu trí, chú cùng với một số anh em khác được tổ chức lựa chọn và bí mật đưa vào hoạt động ngay trong lòng địch. Kể từ đó, gia đình tôi không nhận được tin tức gì của chú nữa.
Cho đến ngày đất nước gần được thống nhất, trong một trận công kích với địch ở cửa ngõ phía Nam Sài Gòn, chú đã bị trúng đạn của kẻ thù. Khi tỉnh dậy, chú mới biết mình đang nằm trong trạm y tế dã chiến của Trung đoàn. Do vết thương quá nặng ở đầu, chú phải phẫu thuật nhiều lần và phải chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Sự trở về của chú đã làm cho cả gia đình tôi như được hồi sinh trở lại. Tự hào vì có đứa con đã từng là "Biệt động Sài Gòn", ông bà tôi vui vẻ và hãnh diện lắm! Riêng bà tôi, tôi không bao giờ nhìn thấy bà khóc một mình nữa. Bà vẫn thích ăn trầu và hay kể chuyện. Câu chuyện ăn vụng mít của chú tôi ngày nào, bà còn kể lại nhiều lần nữa. Qua giọng kể hài hước, hóm hỉnh, tôi thấy bà như trẻ lại. Mấy cây mít mùa xuân ấy cũng ra thật nhiều trái non, xinh xinh như những ngón tay cái và thơm một cách rất riêng…
Chỉ có điều lạ là, chú tôi về đã lâu rồi, nhưng bà vẫn còn lần tràng hạt và đọc kinh hàng đêm. Tôi cứ suy nghĩ mãi, không biết trong những hạt bồ đề nhỏ nhoi kia có sự màu nhiệm nào chăng?
Thái Bình, ngày 26 tháng 4 năm 2001
Bùi Thái Phúc