• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Nẻo về nguồn cội....!

Thứ năm - 13/08/2020 14:02


 

Buổi thứ 2 Du Quê


Bữa cơm chiều, Chị Hai kể chuyện: hàng sáng, ba bà cháu đạp xe luyện tập thân thể. Cu Nghé (cháu.... Đích tôn của Chị) đã 12 tuổi tự đi một xe. Chị chở Cu Meo ( 9 tuổi) ngồi sau xe. Hành trình của 3 bà cháu là vòng quanh xã, vừa biết về quê hương, vừa rèn luyện  kỹ năng đi đường.


Mình nói với chị: "Mai em theo chị đi nhé, mấy chục năm rồi, em quên hết cả đường quê". Nghe em Út nói thế, chị vui lắm, giục mình tối đi ngủ sớm để mai 5 giờ sáng là phải xuất phát, kẻo đi muộn trời nắng.


Người tuổi cao thường ít ngủ. Chị dậy từ lúc nào mình không biết, gần 5 giờ đã gọi mình, nói rằng: "Tớ đã dậy sớm đọc Kinh Nhật tụng; mình dậy rồi ta đi." 


Hai cái xe đạp đã sẵn sàng cùng hai chai nước lọc. Xuất phát !


- Đi lối Mả Nái nhé ?

-Eo ôi, qua nghĩa trang em sợ lắm!

- Chán cho dì! Đường to và nhiều người đi lắm!


Thôi thì đành phải nghe, chứ mình cũng thấy rờn rợn.

 

Rìa làng ngày xưa âm u lối cỏ đã không còn. Mình ngỡ ngàng trước những trang trại xanh tươi với ruộng vườn, ao, chuồng, quán bia ngay trong khuôn viên rộng rãi, mát mẻ và tươm tất, rất "dịch vụ" theo cái "gu" của Người Quê. Mình tròn mắt ngạc nhiên trước những vườn ổi, táo, dưa, rau, đỗ... quả sai trĩu trịt , còn chị thì say sưa giảng giải: "đây là nhà ai, con ông bà nào, ở xóm nào, học cùng ai trong nhà ta...". Những cái tên, những gương mặt người quê lờ mờ hiện lên trong trí nhớ tồi tàn của mình sau lời kể của chị. Nó làm mình quên bẵng cảm giác sợ hãi ban đầu khi đi qua khu nghĩa trang, nơi có những người thân trong gia đình mình đang yên nghỉ.

  

Nghĩa trang quê mình giờ cũng đẹp thế. Bỏ qua sự phân chia "đẳng cấp" mà người sống thiết lập nên, có rất nhiều Cây và Hoa được trồng ở đó. Mà thật lạ: những màu hoa rực rỡ khác thường!


Ruộng, vườn kênh mương nối tiếp nhau, vèo phát, chị em mình đã sang đến rìa làng Phạm - kề bên làng Tăng nhà mình.


Buổi sáng mùa Hè ở đồng quê là đây, lâu lắm rồi mình mới được gặp lại. Mùi đất đai hoai hoải lẫn cả hương hoa cỏ và bùn non. Đất tốt nên lúa quê mình khác hẳn: mướt mát xanh tươi, nõn nà hừng hực sức sống. Mình chợt nhớ lại kỷ niệm năm 1991, cô bạn Lê Kiều Oanh của mình ở Điện Biên về quê chơi, đi qua cánh đồng lúa và reo lên sung sướng khi chợt nhận ra thế nào là "con nhện bắc cầu qua hai ngọn lúa" trong câu hát thân thuộc.


Đúng như lời chị nói, có rất nhiều người quê cũng đạp xe thể dục buổi sáng như chị em mình. Chị mình liên tiếp chào hỏi người quen và mình cũng u ơ chào theo, mặc dù chả nhớ ai.


- Đây là đường rẽ vào nhà... vào xóm... vào trường... vào Chùa.... vào chợ.... 


Chị Hai cứ vừa đi vừa chỉ trỏ và giảng giải. Những ngõ xóm, ngôi nhà, con đường, mặt người gắn với những năm tháng tuổi thơ loà nhoà trở về trong ký ức sau lời nhắc nhớ của chị. 


Ngày xưa, dịp Tết Trung Thu ở quê, thiếu nhi các thôn hay đi rước đèn ông sao và các mô hình qua các thôn làng.Mình đã từng đi trên những con đường ấy trong niềm hân hoan khôn tả. Và bây giờ, ở cái tuổi ngũ tuần, khi tuổi thơ đã mờ xa, Chị Hai lại khơi lại cho mình dòng chảy ký ức thần tiên ấy.


Đến thôn Cốc, Chị Hai đột ngột rẽ vào con đường xóm. Chị bảo: "Tớ cho mình trở về Nguồn Cội nhé: tổ tông nhà ta ở thôn Cốc mà!". Và theo vòng quay của bánh xe, những vườn rau, ao cá, giàn mướp, giàn bầu, nhãn bưởi xanh mát, thơm lành, bình dị cứ tiếp nối lướt qua …


- Đây là Từ đường Họ Phạm nhà ta ...

- Đây là nhà bác Trở Trưởng họ...

- Đây là nhà Anh Lộng trưởng Chi ...

- Đây là đường vào Chùa...

- Còn đây là....


Một bản Phả hệ xóm làng xoắn xuýt, bó bện được chị giải thích cặn kẽ với ai còn, ai mất, chú, bác, anh, chị nào đã bao nhiêu tuổi…


Chị tôi đúng là cuốn Từ Điển sống động về dòng họ, thôn xóm với tất cả những ký ức mờ ảo nhuốm màu thời gian.


Ở làng quê, có những doi đất cao nổi lên giữa đồng, ven sông tách biệt với thôn làng gọi là "trại". Hầu như làng nào cũng có những cái"trại" ấy, nó như vùng sâu vùng xa của xã, như những cái "bốt gác" để vào thôn làng. Chị em tôi đi một vòng quanh những cái "Trại" ấy của 3 thôn trong xã.

 

Thường thì các Trại này rất ít dân và đất đai rộng. Cũng chính vì vậy mà cảnh sắc nơi đây còn giữ lại được nhiều nét thôn quê ngày xưa và nhà cửa cũng đẹp vì vườn ruộng vẫn còn nhiều.


Chị Hai dẫn tôi qua cả 3 cái Trại của 3 thôn Cốc - Phạm - Tăng. Điều đáng nói là mỗi cái Trại ấy đều gắn với những kỷ niệm của gia đình, họ mạc và bạn bè chúng tôi. Mỗi tên đất, tên người gọi về kỷ niệm về một thời nào đó, một ai đó, sự kiện nào đó trong đại gia đình.  Chị Hai chỉ cho tôi một chòm xóm nhỏ chơ vơ giữa đồng gọi là Trại Đồng Trú - nơi gia đình tôi đã tản cư và sinh sống ở đó trong suốt mấy năm Kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy còn chưa có 5 chị em tôi (Thành, Khánh, Tiến, Dung, Châu). Tôi vẫn thường được nghe kể về nơi ấy trong mục "Chuyện Cổ Tích Nhà Ta" mỗi khi 7 chị em gái tụ hội. Chị không đưa tôi tới đó vì các gia đình ở đây nuôi nhiều chó giữ nhà, mà chân chị lại chưa lành hẳn. Chị hẹn với tôi một dịp khác, chị bảo đó là nơi nên đến vì có nhiều cây và vườn đẹp, lại có cả một Nhà Thờ Đạo nho nhỏ xinh lắm, người coi nhà thờ bị dị tật nhưng có giọng đọc Kinh thánh tuyệt hay. Tôi tiêng tiếc trong lòng, nhưng lại nghĩ: món ngon đừng có ăn cho chán, để ăn tiếp lần sau.


Trên đường đi, chị em tôi thỉnh thoảng lại dừng xe chụp ảnh hay trò chuyện với người quen. Ai cũng nhiệt tâm mời vào nhà để cho quả Mít, bó rau, bơ đỗ, bơ vừng mới phơi đủ nắng. Không vào được nhà ai (tôi tiếc lắm), nhưng chỉ nghe cái tình quê mộc mạc mà... "sướng cả cái thằng người" vốn tham như tôi.


Xa quê đã lâu, dù tháng nào cũng về nhưng đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm (từ khi vào Đại học) tôi mới có dịp thong thả, thanh nhàn đi ngắm nhìn mảnh đất quê hương nơi tôi đã được sinh ra và nuôi nấng nên người.


Chuyến Du Quê thứ 2 của tôi cùng Chị Hai vẫn còn dang dở. May mắn! Tôi cho đó là may mắn vì như vậy, tôi sẽ càng thao thiết đợi một Ngày về để lại cùng một Người Quê nào đó tìm về Nguồn Cội. Khi người ta  quá tuổi Tri Thiên Mệnh, những bước chân về Nguồn hình như nhẹ nhàng và nao nức lắm thay!


Chị Hai tôi vẫn đợi tôi về và đưa tôi đi Du Quê  - dù sau lần ngã này, bước chân của chị không còn tròn trịa nữa.


Phạm Minh Châu

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.