- Trang văn
Lão già và chiếc Piano cũ
Thứ sáu - 31/07/2020 11:01
(Ảnh: Nam Hồng)
Lão về hưu đã được 10 năm.
Vợ lão bị bạo bệnh qua đời từ hồi lão còn đi làm, con lão còn rất bé. Lão chỉ có một cô con gái rượu. Tuy gà trống nuôi con, nhưng được cái lão tháo vát, chịu khó, một tay nuôi dạy con gái từ khi cô bé mới 7-8 tuổi. Lương ba cọc ba đồng, lão chạy vạy cùng bạn bè làm đủ mọi nghề, cả kinh doanh buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Với ít vốn ban đầu, lão góp với nhóm bạn lướt sóng bất động sản. Nhờ quen biết rộng và biết cách khai thác các mối quan hệ đó, nhóm của lão mua được giá gốc một số căn hộ cao cấp, của hiếm và được chuộng lúc bấy giờ. Sau khi sang tên, nhóm lão được khá. Cứ vậy, sau mấy năm gã đã tích lũy được một khoản không nhỏ, tuy chưa phải là đại gia.
Lão thật may mắn con gái lão ngoan ngoãn, rất thương bố. Từ nhỏ con bé đã cố gắng giúp bố công việc trong nhà, và chăm học. Hết giờ ở trường, nó về ngay nhà chuẩn bị cơm nước cho hai bố con, giặt giũ, dọn dẹp. Những ngày cuối tuần hai bố con thường cùng nhau đi dạo, xem phim, nghe hòa nhạc và ăn tối bên ngoài. Cô bé rất ít khi để bố một mình.
Tuy không muốn xa con, nhưng lão nghĩ nhiều nhà có kinh tế kha khá như nhà lão đều cố gắng thu xếp cho con đi học nước ngoài, để chúng được hưởng nền giáo dục tiên tiến và có nhiều cơ hội cho nghề nghiệp tương lai. Khi con bé vào năm cuối phổ thông, lão mang ý đó ra bàn với nó. Nó gạt đi. “Không bố ạ. Con không muốn để bố ở nhà một mình. Con học ở đâu chả được. Miễn là con cố gắng, chăm học thì cũng tích lũy được kiến thức tốt”.
Nhưng rồi con tạo xoay vần. Sang học kỳ cuối mấy bạn ở lớp đã rục rịch chuẩn bị đi du học, trong đó có cả một trong hai cô bạn thân nhất của nó. Mấy đứa bạn cũng nói vào, phân tích du học là cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai, không phải ai cũng có thể thực hiện được dù mong muốn bao nhiêu. Lão cũng khuyên cứ nên dứt đi vài bốn năm, học xong rồi về. Lão quả quyết sẽ tự lo liệu được khi nó xa nhà. Sức khỏe lão vẫn tốt, lại còn bạn bè nữa. Cuối cùng cô bé cũng xiêu. Hai yếu tố cần thiết đi du học nó đều có đủ. Về học lực, nó luôn đạt loại giỏi, học bạ đẹp. Tiếng Anh thì nó đã đầu tư từ lâu. Hiện giờ nó vẫn thường xem phim bằng tiếng Anh. Nó cũng đã thử sức mấy lần thi IELTS; lần nào cũng đạt 7.5. Về kinh tế thì lão đã lo đủ cho nó đi học và cho lão trong những ngày còn lại.
Vậy là cùng với mấy đứa bạn, nó được nhận vào ba trường đại học danh tiếng ở Bắc Mỹ, lại có cả học bổng. Kết quả ngoài mong đợi. Con bé vẫn đi du học mà không phải dùng quá nhiều tiền của bố.
Ngày hai bố con chia tay, thật bịn rịn. Đến lúc đó thì nó lại không muốn xa bố, không muốn để bố ở nhà một mình. Tuy nhiên, không thể lật lại quyết định được nữa. Là đứa con ngoan, chu đáo, nó đã thu xếp cho bố đầy đủ nhất để bố có thể tự lo cho mình trong thời gian con gái đi xa. Nó nhờ người bạn thân nhất thỉnh thoảng ghé qua thăm bố xem ông sống thế nào, có cần giúp gì không. Hai bố con hẹn nhau hàng ngày sẽ liên hệ qua internet một lần trước khi lão đi ngủ, để hai bố con cùng yên tâm về nhau.
Khi con gái đã đi rồi, trở về căn hộ nơi hai bố con đã sống, lão mới thấy nó trống trải làm sao, cô đơn làm sao. Lão đã không hình dung được tình cảnh lại như vậy. Tuy nhiên, lão cũng vui vì đã tạo cho con cơ hội tốt nhất mà không ai cũng có thể có. Lão tin rằng con lão sẽ học giỏi, sẽ thành công và có tương lai tốt hơn lão nhiều lần. Đó là niềm an ủi, là nguồn sức mạnh giúp lão trong những ngày tới.
Để bớt sự trống trải, lão năng gặp gỡ, tụ tập với nhóm bạn cùng lứa, những lão hưu trí. Những buổi bù khú đó các lão nói đủ chuyện trên trời, dưới biển, và nhất là về những năm tháng trai trẻ, những khó khăn gian khổ thời sinh viên trong chiến tranh. Những lần tụ họp bao giờ cũng có vài vại bia, lạc rang, đậu phụ lướt ván, hoặc RTC. Vui đáo để.
Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Những buổi tụ họp cứ thưa dần, thưa dần, phần vì người này bận trông cháu, về quê, phần vì người ốm đau, bệnh tật. Vài người đã về cõi vĩnh hằng. Ở cái tuổi của lão, không phải ai cũng còn khỏe cả. Chuyện thì nói mãi cũng chỉ có thế, nhạt dần, nhạt dần sau bao nhiêu lần xào đi nấu lại. Những cuộc tụ họp, rượu bia cũng làm cho nếp sinh hoạt của lão bị đảo lộn, lão không giữ được lời đã hứa với con gái là hàng ngày nấu ăn điều độ.
Lão ngộ ra rằng cứ thế này chả khác gì đếm những ngày còn lại, chờ cái ngày cuối cùng ấy. Mấy ông bạn già thì nói thẳng ra “ngồi chờ chết!”
Lão nghĩ phải làm cái gì đó ý nghĩa hơn, thú vị hơn, và tránh bớt những chuyện bức xúc đầy xã hội đang đổ ập vào cộng đồng hưu trí, những người bất lực nhìn sự đời chả giống những gì họ đã từng kỳ vọng. Lão chợt nhận ra rằng nhiều lão hưu như lão tìm được nhiều thú vui mới. Có lão bỗng trở thành nhà văn, nhà thơ gia nhập các Hội đoàn chuyên môn như thật; có lão thành nhà nghiên cứu chiến lược bình loạn tình hình thế giới, trong nước; có lão chỉ thích làm vườn; có lão nhanh chóng học kinh dịch, phong thủy; có lão suốt ngày chơi cờ, tự hình dung mình là ông Tướng, Nguyên soái điều khiển cả binh đoàn; có lão vụt một cái mang danh Họa sĩ; lại có lão sáng tác nhạc hay trở thành “nghệ sĩ” violine, piano. Thôi thì ngoài đời có nghề gì, giới về hưu có nghề đó, bất kể ngày xưa được đào tạo lĩnh vực nào. Rõ ràng cuộc sống của người về hưu thật phong phú và sôi động, giúp nhiều người cao tuổi thấy trẻ lại và yêu đời, không còn chăm chắm chờ Thần chết đến gõ cửa. Và những hoạt động này hẳn làm cho họ trẻ khỏe ra. Nhiều người còn thành công hơn cả khi chưa về vườn..
Sau khi điểm lại tất cả các nghề thuộc các lĩnh vực, so với “năng khiếu” của mình, lão đã chọn học piano! Một thú vui thanh tao, cao sang và tiếng đàn sẽ giúp lão đỡ cô đơn trong căn hộ.
Vậy là lão quyết định mua piano và tìm thầy dạy. Tại một cửa hàng piano cũ với hàng chục piano các loại, lão chú ý chiếc ở góc phòng. Chiếc này cũ lắm rồi, chắc đã qua tay nhiều chủ. Màu đen bóng nguyên thủy của nó đã thành màu nhuôm nhuôm tróc lở. Mấy góc bị xây xước nặng vì vận chuyển nhiều lần. Chắc nó cũng phải bằng tuổi lão. Ông chủ cửa hàng nói với lão chiếc này rẻ, tuy mã xấu nhưng âm thanh còn tốt, tiếng vang. Vậy là xong một việc. Một ông bạn già giới thiệu cho lão cậu thanh niên đang học năm cuối ở Nhạc viện, chuyên piano. Anh này vẫn đi dạy thêm tại nhà cho người mới học, cả trẻ em lẫn người lớn, cần có thêm thu nhập để trang trải việc học hành.
Học viên như lão, đàn như lão đã mua và giáo viên như vậy đúng là sự hài hòa tuyệt đỉnh rồi. Lão cũng thích giáo viên nam. Con trai đi tối đỡ nguy hiểm. Học xong lão có thể mời thầy chai bia, cũng vui hơn là giáo viên nữ. Hơn nữa, lão ở một mình, giáo viên nữ phức tạp lắm. Ai mà biết được giọng lưỡi thế gian, nhất là ở cái xứ người ta quen “quan tâm” đến nhau như ở cái xứ này. Thôi thì tránh cho lành.
Đúng là lão có khiếu thật. thầy giáo khen lão học nhanh, tuy đã nhiều tuổi nhưng trí nhớ vẫn tốt, ngón tay vẫn chưa đến nỗi cứng quá! Chỉ mấy tháng mà lão đã chơi được khá nhiều bài, và chơi rất nhuần nhuyễn, có hồn.
Với lão, thưởng thức âm nhạc là một thú vui. Giờ đây được thưởng thức những bản nhạc do chính mình tấu lên với tất cả trái tim trong đó còn thú vị biết chừng nào. Lão liền ghi âm một đoạn gửi cho con gái, vừa để khoe nó, vừa để nó yên tâm là bố vẫn khỏe, vẫn yêu đời và sống lành mạnh. Theo quy ước giữa hai bố con, cứ 10 giờ tối là con gái lại liên hệ với bố qua internet, để biết bố vẫn khỏe, vẫn vui và nó yên tâm bắt đầu ngày học mới khi bố chuẩn bị đi nghỉ.
Cũng từ lâu nay, cứ sau khi nói chuyện với con, lão xướng lên một bài đàn, rồi đi nghỉ, kết thúc một ngày sôi nổi.
Một đêm, giữa lúc ngủ say, lão lơ mơ nghe tiếng piano bài mà lão thích nhất, hay chơi nhất. Lão nghĩ chắc mình ngủ mơ, vì hay chơi bài này nên giờ mơ cũng thấy nó. Lão định quay lại ngủ tiếp, nhưng nhận ra không phải là tiếng đàn của mình. Ai đó đang chơi bản này phải rất chuyên nghiệp, trình độ cao hơn lão nhiều nhiều, thậm chí hơn cả anh thanh niên đang dạy lão. Vậy thì không phải là mơ.
Lão mò dậy ra khỏi phòng ngủ, đi về phía chiếc đàn piano đặt bên cửa sổ. Trong ánh trăng mờ rọi qua cửa sổ, lão giật mình thấy một người áo trắng đang chơi bản nhạc đó ngay trên chiếc piano của lão. Lão dụi mắt mấy lần vẫn thấy đúng là một người đang ngồi chơi đàn, say sưa dường như không để ý gì xung quanh.
Vốn là một người rất gan lì, chưa biết sợ là gì, song lão vẫn thấy hơi chờn chợn. Lấy hết can đảm, lão hỏi: ”Ai đang chơi đàn của tôi thế?”. Cái bóng trắng vẫn lặng lẽ chơi đàn như không có gì xảy ra vậy. Sau khi buông nốt cuối cùng của bản nhạc, cái bóng trắng chậm rãi quay mặt lại phía lão.
Lão suýt thốt lên một tiếng “Trời”. Đó là một thiếu nữ, mái tóc dài đen tết thành một bím hất ra phía trước ngực. Vì vậy nhìn từ phía sau, lão đã không nhận ra đó là một cô gái. Lão trấn tĩnh lại và thấy yên tâm hơn đôi chút, vì cô gái không có vẻ gì là người vào nhà để hại lão, hay cướp của. Lão hỏi: ”Cô vào nhà tôi bằng cách nào? Tôi quên khóa cửa à?”. Cô gái cất tiếng nhưng không trả lời thẳng vào câu hỏi: ”Em không vào để hại anh đâu. Em tên là Phương. Anh kéo chiếc ghế ngồi đây em nói chuyện”. Lão định bật đèn lên, nhưng cô gái cản lại, nói cứ nói chuyện trong ánh trăng này thích hơn.
Vừa tò mò, vừa thấy lạ, sau vài phút, lão kéo chiếc ghế ngồi xuống gần cô gái. Trong ánh trăng mờ ảo, giờ lão mới nhìn kỹ cô gái. Cô có khuôn mặt trái xoan nhưng hơi mai mái. Đôi mắt to tròn, đen láy. Chiếc mũi cao, thẳng trông rất đài các. Hẳn đó là một cô gái con nhà giàu có, quý phái.
Cô gái nhẹ nhàng kể: ”Em là chủ nhân đầu tiên của cây đàn này. Em vốn là một nghệ sĩ dương cẩm, được bố mẹ cho học đàn từ lúc 4 tuổi. Em đã đi biểu diễn nhiều nơi. Vì bị tim bẩm sinh, em qua đời lúc 20 tuổi. Tính ra em kém anh 2 tuổi. Cây đàn này cũng 64 tuổi rồi. Bố mẹ em mua cho em lúc em bắt đầu học đàn. Em đã theo cây đàn này tới tất cả các chủ của nó, nhưng em chưa bao giờ lộ diện. Thấy anh là người đã cao tuổi, lại say sưa đàn đến thế, và rất có khiếu, nên em đã mạo muội tới đây. Mong được anh tha thứ”.
Nghe tới đó, lão cảm thấy nhẹ cả người, không còn lo sợ nữa. Lão lại nói: “Nhưng cô chưa trả lời câu hỏi của tôi là cô vào bằng cách nào?”. Cô gái nhẹ nhàng: “Vào bằng cách nào không quan trọng. Em thấy anh có khiếu, tiến rất nhanh. Tuy nhiên, anh vẫn còn những khiếm khuyết vì chưa nắm được một số bí quyết. Kể cả người dạy anh cũng chưa tới cái tầm đó. Nếu anh đồng ý, em sẽ giúp anh nâng lên một tầm cao mới”.
Vậy còn gì bằng. Thế là từ hôm đó, cứ sau khi lão nói chuyện xong với con gái, là cô gái hiện ra bên cây đàn. Sau vài câu xã giao, cô gái hướng dẫn cho lão những bí quyết tuyệt chiêu nhất của nghề đàn piano, những kiến thức mà lão không thể tìm được ở bất kỳ nơi nào. Cùng với những buổi tập đàn, lão và cô gái trở nên gần gũi lúc nào không hay. Trình độ của lão được nâng lên vượt bậc. Sau một giờ hướng dẫn lão, cô gái chào lão ra về. Nhưng lão không bao giờ biết cô đến và đi bằng lối nào.
Đã ba đêm từ khi quen cô gái, lão vẫn băn khoăn chuyện xưng hô sao cho phù hợp. Rõ ràng đó là một thiếu nữ 20 tuổi, tầm tuổi con gái lão. Còn lão đã bước sang tuổi 70 rồi. Lão thấy ngường ngượng khi xưng là “anh” và gọi cô gái là “em”. Lão quyết định nói với cô gái nỗi băn khoăn đó. Cô gái cười, nói: “Trẻ/già không thành vấn đề anh. Em mất lúc 20 tuổi nên em mãi mãi ở tuổi đó. Nhưng thực ra em cũng 68 rồi còn gì. Trẻ hay già chính là ở trái tim mỗi người. Em có thể già như anh, và anh có thể trẻ lại như em. Nếu anh muốn, em có thể biến anh thành chàng trai 22 tuổi.” Lão thấy hào hứng quá, nói:“ Vậy anh chọn trở thành chàng trai”. Cô gái nói:’ Anh hãy ngồi thiền, mắt nhắm lại và nghĩ tới thời trai trẻ của anh”. Cô gái đặt nhẹ bàn tay trái lên trái tim lão, còn bàn tay phải đặt lên chỗ trái tim mình. Bỗng lão thấy một luồng điện lạnh từ bàn tay cô gái lan ra khắp người lão, chạy rần rật từ chỗ trái tim đến tận múp ngón chân, tay. Tự nghiên lão cảm thấy sức lực tràn trề, như thời mới vào đại học. Lão mở mắt, thấy hai cánh tay cơ bắp cuồn cuộn, những vết đồi mồi trên mu bàn tay biến đâu mất, giờ là lớp da sáng bóng, hồng hào. Phản chiếu trong khung kính cửa sổ là cậu thanh niên cường tráng, đúng là lão năm 22 tuổi. Lão thấy nguồn năng lượng mạnh như vũ bão lan tỏa khắp người, chiếm lĩnh toàn thể con người lão, cả thể chất lẫn tinh thần.
Lão bế xốc cô gái trên đôi cánh tay lực sĩ của mình vào phòng ngủ. Đôi bàn tay piano của lão mơn man trên làn da mịn như nhung của cô gái, nhưng hơi lành lạnh.
Từ hôm đó, tối nào cô gái cũng đến dạy lão đàn, ngay sau khi lão nói chuyện với con gái. Cô không muốn lão bật đèn, chỉ thích ánh trăng mờ ảo rọi qua cửa sổ. Sau buổi học đàn, cô gái ở lại với lão và ra đi trước khi mặt trời mọc.
Trình độ piano của lão tiến vùn vụt, tới mức điêu luyện hơn cả cậu sinh viên hướng dẫn lão. Thấy mình không thể tiếp tục hướng dẫn, chàng sinh viên đã nói lời chia tay.
Lão bắt đầu đi biểu diễn ở các bar, club. Tiếng tăm về lão lan nhanh như chớp ở ngay thành phố phồn hoa này. Lão được mời tham gia các buổi hòa nhạc đẳng cấp ở Nhà hát trung tâm. Lão vụt trở thành Nghệ sĩ piano, cũng như nhiều bạn đồng niên với lão vụt trở thành nhà văn, nhà thơ, họa sĩ sau nhiều năm nghỉ hưu chính thức.
Một buổi tối, sau khi đã nói chuyện với con gái bên kia đại dương như thường lệ, lão ngồi bên piano chờ cô gái tới. Đã quá giờ cô gái thường đến, nhưng không thấy em xuất hiện. Lão chờ mãi, chờ mãi trong vô vọng. Lão gục đầu lên bàn phím piano ngủ thiếp đi, hy vọng cô gái sẽ trở lại đánh thức lão dậy. Hôm đó đã hết mùa trăng. Ô cửa sổ tối đen ngòm.
Tối hôm sau cô con gái từ xứ sở xa xôi gọi về thăm bố. Nhưng không thấy lão đáp lại như mọi khi. Cô con gái gọi hoài nhưng vẫn chỉ là im lặng. Cô bé nghĩ chắc bố mệt nên đi ngủ sớm hơn mọi ngày. Chờ sáng hôm sau, cô gọi về cho người bạn thân nhất nhờ đến xem bố cô thế nào. Cô nhắn cho bạn cả mã mở cửa căn hộ. Cô bạn nhờ ông bố mình cùng đi, vì ông nguyên là một bác sĩ lâu năm đã về hưu, phòng khi lão bị ốm đau gì, thì bố cô có thể giúp. Hai bố con cô bạn gọi cửa nhưng không có tiếng trả lời. Cô gái bấm mã mở cửa. Bước vào nhà, hai người thấy lão vẫn gục ngủ trên piano. Ông bác sĩ nhẹ nhàng nâng đầu lão lên, rồi nhìn con gái, khẽ lắc đầu.
Ông nói nhỏ vào tai con gái: “Bố làm nghề này cả đời, nhưng có điều bố không hiểu. Sao bác ấy mới mất chưa tới hai ngày, mà cơ thể đã héo quắt như xác ướp!”./.
Đặng Thế Truyền