- Trang văn
Người Bách Thuận
Thứ hai - 18/05/2020 13:40
Để một bãi bồi trên sông Hồng trở thành một vùng quê giàu có xinh đẹp và trù phú là công sức dựng xây của bao thế hệ con người từ các cụ thời xưa những ngày đầu mở đất đến con cháu hậu thế ngày hôm nay. Khó khăn hơn cả là ở những ngày đầu tiên khi trên bãi là mênh mông toàn cát nước lũ ngập tràn hàng năm vậy mà các cụ thời xưa với đức tính cần cù lao động đã làm nên mảnh đất này thì chúng ta hiểu rằng để làm được người xưa đã tốn bao công sức mồ hôi đến thẫm cả cát dày. Chẳng gì có thể diễn tả được sự vất vả nặng nhọc của các Cụ mà nhờ đó con cháu ngày nay có nơi an cư lạc nghiệp và được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp truyền lại là cần cù chịu khó năng động vượt qua mọi khó khăn để mưu sinh và tồn tại.
Nói người Bách Thuận cần cù và chịu khó thì quả không ngoa, mảnh đất này không có chỗ cho những kẻ rong chơi lười biếng đàn bà con gái làm công việc kinh tế chả kém đàn ông. Tôi thì không biết đến công việc của người xưa và cuộc sống thuận lợi hơn rất nhiều của lớp trẻ thời nay nên không dám luận bàn mà chỉ nói về những gì đã trải qua đã biết về quê hương một thời để nói lên đức tính và phong cách của người quê mình Bách Thuận. Quê ta năm xưa một thời bão lũ triền miên có khi bão giật đổ cả nếp nhà lũ tràn về ngập chìm cả làng quê, một thời gian khó thiếu thốn trăm bề nhưng từ những khó khăn đó nó mang lại cho con người một kiến thức sống để thích nghi vượt khó. Dân mình thuần nông mà không làm ra hạt gạo tiêu chuẩn lương thực được mua thì như công nhân hàng tháng mỗi người chỉ có hơn một chục cân thì làm sao đủ sống nên xoay xở đủ đường và từ đây một hình thức sống mới ra đời - Đi buôn. Lợi thế là đất quê mình xưa trồng rất nhiều rau cùng hoa trái để tiêu thụ thì phải đi chợ xa hoặc sang thành phố Nam Định để bán, ai không có điều kiện thì bán tại chợ nhà để một số người mua lại rồi chở tiếp đi bán các nơi khác. Cứ thế cứ thế theo thời gian hình thành một nếp buôn bán từ ban đầu chỉ là những đội rau dưa hoa quả, những cái xe đạp lớp lớp rổ chằng hàng ngày lan tỏa đi khắp nơi đến buôn chuyến buôn đường dài tới khắp mọi miền xuôi ngược. Cái thấy được ở đây là hình thành một tính cách phù hợp với cuộc sống và từng con người bắt đầu có đầu óc kinh doanh buôn bán mà đức tính đó thể hiện rõ nhất ở thời nay. Người Bách Thuận cũng rất năng động khi nhìn nhận về thời cuộc về kinh tế và chuyển đổi nhanh chóng. Khi thấy nghề trồng rau hái dâu nuôi tằm không hiệu quả là chuyển đất vườn trồng những cây khác đạt hiệu quả cao hơn, thấy xuất ngoại làm ra kinh tế là cả làng đua nhau ào ào như đi chợ và kết quả thì hôm nay ai ai cũng nhìn thấy.
Cũng nhờ đức tính chăm chỉ cần cù và có năng khiếu đầu óc buôn bán đi lại tiếp xúc với xã hội nhiều nên nó tạo ra một phong cách sống riêng của người Bách Thuận. Đó là phong cách sống phóng khoáng hiểu biết về xã hội sâu rộng, giao tiếp quan hệ trong cuộc sống cũng giản đơn không gò bó như những vùng quê thuần nông khác. Cuộc sống nơi đây ồn ào vội vã xong êm ấm thanh bình.
Một quê hương đổi mới giàu đẹp là niềm vui cho những người con vì nhiều lý do phải sống nơi xứ xa hay lập nghiệp ở những miền quê khác mỗi lần về thăm. Người Bách Thuận quê mình dù sinh sống ở đâu vẫn mang đầy đủ đức tính tốt đẹp của cha ông truyền lại là cần cù chăm chỉ năng động thích bán buôn mà bằng chứng là dù ở bất cứ nơi đâu từ Hà Giang Bắc Sơn đến Tây Nguyên xa tắp những người ở xa quê đều có cuộc sống sung túc và thành đạt cả.
Xin cúi đầu cảm ơn người xưa bao đời đã chung tay mở đất và để lại một quê hương và những đức tính tốt đẹp cho muôn đời sau.
Nguyễn Như Thạnh