• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Thuận Vi Đình

Chủ nhật - 18/10/2020 07:50


Thời thơ ấu tôi đã được biết tới những mái Đình trên đất quê nhà Thuận Vi và vì thế mới biết các bậc Tiền Nhân cha ông chúng ta thời xưa rất coi trọng lễ nghi văn hóa làng xã. Đình làng luôn là nơi thờ cúng các vị thượng đẳng thần, các vị nhân thần, Thành Hoàng làng hay các nhân vật lịch sử có thể theo truyền thuyết hoặc có thật ở thời kỳ xa xưa đã có những đóng góp cho sự hình thành và phát triển của quê hương. Nơi đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh nơi gặp gỡ tập trung nhất của cư dân làng xã trong những lễ hội dâng hương được tổ chức theo định kỳ thời gian hàng năm. Trở lại chuyện những ngôi Đình trên đất Thuận Vi năm xưa thì tôi được biết là có những ngôi Đình mang những cái tên rất giản dị như Đình Thượng Đình Trung Đình Hạ và Đình Xuân Bảng, tiếc rằng những ngôi Đình đó theo năm tháng đã xuống cấp và ở thời văn hóa lễ hội không được coi trọng nên các Đình chỉ còn là phế tích ghi dấu ấn của một thời và những nơi thờ cúng đã được sử dụng làm những lớp học, thực là một điều đáng tiếc và đau buồn cho hậu thế.


Tôi là người xa quê đã từ lâu và đã lập nghiệp nơi khác xong không vì thế mà tình quê hương nơi đất mẹ quê cha phai nhạt trong tâm khảm vẫn luôn coi mình là người Bách Thuận. Những kí ức một thời tuổi thơ, những tháng năm cùng bạn bè vui trường lớp, những công trình văn hóa trên quê nhà như tên những mái Đình ngày xưa, những ngôi chùa cổ kính hay ngôi nhà thờ hoành tráng uy nghiêm bên bờ sông Hồng, tất cả đều khắc ghi trong tâm khảm như biểu tượng của quê hương để nhớ về. Cách đây ít lâu khi đang ở nơi xa xôi nhờ có mạng tôi được biết Chính quyền xã nhà thể theo nguyện vọng của nhân dân đã đồng ý cho xây dựng lại một ngôi Đình mới để thờ cúng các bậc tâm linh và khôi phục văn hóa lễ hội nơi quê nhà, tôi đã rất vui khi quê mình lại có thêm một công trình văn hóa mới và thầm mong được viếng thăm và chiêm ngưỡng. Đợt về quê lần này tôi đã gặp may, như biết được nguyện vọng của tôi anh Nguyễn Như Tần, một người cháu trong dòng họ cũng là người có vinh dự được các dòng họ và Chính quyền quý trọng và tin yêu tiến cử làm người quản lý chăm nom nơi tôn nghiêm và linh thiêng của làng mời xuống thăm. Không thể chậm trễ một cơ hội quý tôi cùng anh bạn Phạm Bá Chiến liền cùng nhau tới ngay và với một người yêu quê hương và ưa văn nghệ như tôi thì đây cũng là một dịp lấy tư liệu để viết bài quảng bá và giới thiệu về quê hương của mình. Nhờ có sự nhiệt tình cùng chỉ dẫn và giới thiệu của anh Nguyên Như Tần chúng tôi đã biết nhiều điều nhiều sự kiện về ngôi Đình làng uy nghi to đẹp này và nay viết ra giúp cho những người chưa biết tường tận hoặc những người con của đất mẹ đã ly hương mà chưa có dịp về thăm quê thấu rõ để một khi nào đó trong ngày trở về nhớ tới dâng hương và viếng thăm và tự hào về một vùng đất nơi đã sinh ra và nuôi nấng mình một thời. Đình được xây ở thời hiện đại xong nhờ những bàn tay khéo léo của những nhà xây dựng và các nghệ nhân nên vẫn mang đậm nét cổ kính trang nghiêm của nơi thờ tự. Chúng ta bắt đầu từ cổng Đình, ở đây có ba cổng gồm cổng Chính với hai cổng phụ hai bên được gọi là Tả môn và Hữu môn, ngay sau cổng Chính là một bức bình phong lớn với ba chữ TĨNH TRANG NGHIÊM  và đôi câu đối:


Kính đạo Long nhân an thọ lộc

Cờ đảo Dân sinh thực phúc điền.


Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của bức bình phong chúng tôi bước vào sân đình rộng lớn có đủ chỗ cho hàng trăm người tới dự hội và dâng lễ. Nơi đây có một ngôi Bái đường to lớn nguy nga dùng để làm nơi tế lễ, đó là một ngôi nhà cao đẹp vững trãi với những hàng cột được trang trí bằng những văn hoa câu đối, ở hai bên còn có bia đá ghi danh những tổ chức và cá nhân đã công đức xây dựng ngôi Đình. Với một phong cách nhẹ nhàng của một người thủ nhang quen với công việc nơi tôn kính anh Nguyễn Như Tần mời chúng tôi tới thăm Nội điện, đây là nơi đặt bài vị lư hương thờ cúng các vị Thần và Tiền Nhân, Nội điện là một cổ lâu ba tầng trên nhất được khắc ba chữ rất lớn THUẬN VI ĐÌNH với kiến trúc mái cong như chúng ta vẫn thấy ở những nơi thờ phụng, ngay trước cửa Điện là một lư hương bằng đá quý cùng hai cây đèn đặt đối xứng hai bên.. Theo chân anh Tần chúng tôi bước vào trong Điện, một cảm xúc kính trọng thiêng liêng chợt dâng trào trong tâm và tự thấy mình thật nhỏ bé trước các vị Thần Nhân nên chúng tôi chỉ dám đứng nghiêm trang lặng lẽ quan sát nơi thờ phụng. Bên dưới một bức đại tự lớn đề ba chữ TỐI LINH TỪ là tám Khám gian thờ tám vị Thượng Đẳng Thần đó là các vị :


*  Trịnh Đô Bến Ván

*  Trịnh Đô Bến Thệ

*  Thủy Hải Long Quân 

*  Thượng Bồng Linh Quan 

*  Long Quân Hiển Ứng 

*  Phu Kí Thượng tướng quân Đại vương

*  Đô Phủ Dực Bảo Trung Hưng 

*  Bát Nan Hồng Huống Đại vương


Gian thờ chính cũng là nơi thờ các vị nhân thần là các vị tiền nhân đã được sắc phong ở các thời kỳ xa xưa, trong các vị có hai người là phụ nữ, đó là bà Ả Lã Phương Dung người đã có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc và tương truyền là bà đã giúp cho những người dân nơi đây thời đó khai khẩn đất đai và dạy dân chúng nghề trồng dâu nuôi tằm làm ăn sinh sống. Vị thứ hai là bà Uyển Trà là một trong những bà Tổ của dòng họ Nguyễn Kim, bà là người duy nhất có pho tượng đang được tôn thờ nơi nội điện.


Bốn vị nhân thần đó là:


*  Thượng Trụ Phụ Quốc Thượng Tướng Quân 

*  Phấn Dũng Tướng Quân 

*  Phấn Dũng Anh xa Úy Vệ 

*  Bà Uyển Trà 


Dưới cùng nơi gian nội điện là Hạ ban, nơi đây thờ các quan tướng với một giàn Tự khí chấp kích bát biểu cùng đôi hạc hai bên đứng lễ chầu và bên cạnh gian chính ta còn thấy một bàn thờ Cộng đồng nho nhỏ nữa.


Đang mê mải ngắm nhìn các bình phong câu đối hoa văn đẹp mắt chúng tôi nhận thấy hai bên trên xà nhà là hai vị thần Hoàng Xà và Bạch Xà cuộn mình chầu vào bức đại tự HIỂN LINH TIỀN trang nghiêm và ngay bên dưới các vị thần là hai gian thờ tả hữu với hai vị Linh Thần Mã bên lọng vàng đứng chầu. Bên trái là nơi thờ Thủy tổ các dòng họ, những người đầu tiên tới vùng đất này khai hoang mở đất lập nên địa danh làng xóm để lại cho con cháu hậu thế thời nay. Thể theo nguyện vọng của nhân dân trong làng gian thờ bên phải được là nơi thờ cụ Quan Chương của dòng họ Nguyễn Đình, cụ được tôn kính và thờ phụng bởi khi xưa ở đầu thế kỷ thứ 19 cụ đã cùng em trai là cụ Định Tường kết hợp với các cụ họ Phạm mở rộng thêm đất cho làng mà được ghi công, đây là niềm tự hào và vinh dự rất lớn cho dòng họ Nguyễn Đình ở Bách Thuận.


Tiếp chúng tôi với ấm trà quê và hưởng lộc của Tiền Nhân Tiên Tổ, anh Tần kể về những ngày đầu khởi công xây dựng Đình đã được bà con trong làng cùng những người xa quê đầy lòng tâm huyết với quê hương góp công góp sức tiến cúng, nghe thấy vậy tôi vội chạy ra xem ngay những tấm bia ghi tên công đức của bao người mà khi nẫy mải xem ngắm cảnh Đình mà chỉ lướt qua hời hợt. Quả là rất nhiều đơn vị cá nhân đã cùng chung sức đóng góp dựng xây nên ngôi Đình cho đất mẹ và tôi thực sự ngỡ ngàng và nể phục khi thấy tên ông Nguyễn Kim Chinh, người đã công đức cho việc xây Đình một số tiền cực lớn, là người dân Bách Thuận, chúng tôi cảm ơn các nhà hảo tâm và đặc biệt cảm ơn ông, một con người thật nặng lòng với quê hương làng xóm.


Tôi không thể viết được mọi chi tiết nên nhờ anh Phạm Bá Chiến chụp hình để minh họa bài viết về ngôi Đình làng nhưng thế cũng không thể đủ, đấy là chưa nói tới phần nghi lễ hội làng bởi bài viết đã quá dài nên xin được trình bày ở một bài viết khác. Những mong các bạn (cùng quê hay vì yêu mến miền đất bãi bên sông mà tham gia) truyền tải thông tin và khi có dịp thuận lợi mời tới thăm quan hay tham dự mỗi khi làng mở lễ hội. Nhắn nhủ những người con của đất quê nhà ly hương đang công tác hoặc sinh sống trên mọi miền rằng quê hương mình đẹp lắm, Đình làng đã được xây và đất Mẹ luôn rộng mở vòng tay chào đón những người con trong ngày trở về.


Nguyễn Như Thạnh

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.