• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Nó... cũng gà lắm đấy (2)

Thứ tư - 23/07/2025 08:41



(Ảnh: Binh Dao)



NÓ… CŨNG GÀ LẮM ĐẤY

(Đào Thanh Bình)


Phần 2.


Một tuần, rồi hai tuần, chưa có Thông báo. Kì lương đến, Thầy nó sốt ruột:

- Có khi phải đi cảm ơn trước em ạ! Cũng để xem thực hư thế nào!

- Vâng!

- Tính mua gì?

- Mùa nhãn, em định mua nhãn lồng ạ!

- Ừ, nhãn lồng ngon, Thầy có hàng quen.

Buối tối, thầy đến xách theo một túi bóng đỏ, bên trong là một túi bóng đen đựng nhãn lồng, ước chừng hai cân. Hai cân nhãn chắc vèo ½ tháng lương của Thầy. Nó không chắc nữa vì mẹ con nó có bao giờ mua hoa quả đâu, đủ cơm, rau/dưa với xíu thịt ba chỉ hay thanh đậu phụ nướng sẵn về rim mắm đã là vô cùng cố gắng rồi, đâu dám mua thứ quả quý ấy.

Thầy chở nó trên cái Cúp 82 màu xanh, nó ngồi sau, đặt túi nhãn lên nửa ghế, một tay nắm quai, một tay đỡ đáy, cố gắng giữ cho túi quà phẳng phiu và, nhất là không bị dập nát. Đến khu tập thể Ngoại thương (là Sở Ngoại Thương thì phải), thầy nó ghé bảo vệ:

- Bác cho tôi hỏi nhà anh T

- T nào?

- Dạ vợ làm bên ngoại thương ấy ạ!

- Đi rồi, hai vợ chồng đi bộ buổi tối.

- Thường mấy giờ về Bác?

- Thường 9h, vừa đi xong, có khẩn thì ra đó, chỗ bờ hồ đằng kia kìa…!

- Dạ thôi, chúng em chờ ở đây!

- Hay để tôi điện thoại lên nhà, nhà ấy có máy bàn, chú với cháu lên đó chờ cho đỡ muỗi. Có hẹn không?

- Dạ thôi ạ. Chúng em không hẹn. Anh ấy khái tính lắm, hẹn là không nhận lời đâu ạ?

- Thế ngồi đây! Để túi quà lên đây, cái gì thế? Quả à? Để lên cho đỡ mỏi.

- Vâng! Cảm ơn Bác.

Rồi hai thầy trò nó ngồi đợi. Đợi mãi, 9h..9h30 rồi…10h00 vẫn không thấy hai vợ chồng anh ấy về. Nó băn khoăn:

- Thầy ơi, muộn quá, bây giờ gặp lên cũng bất tiện ạ, mà mình không hẹn trước.

- Ừ, hay là về, mai đến. Mai thầy hẹn từ ở cơ quan cho chắc.

- À, kia rồi, hai vợ chồng về kia rồi!

Bác bảo vệ sung sướng như bắt được vàng chỉ tay ra phía đường, lối vào khu tập thể. Nó nhìn lên. Thầy nó cũng nhìn theo, mắt nheo nheo:

- Sao không giống nhỉ?

Khi đôi vợ chồng rẽ vào sân khu tập thể, nơi ánh đèn từ cây cột phía trong hắt tới, thầy nó giật mình:

- Không phải bác ạ!

- Nhà T mà, vợ làm ngoại thương đấy… À, thôi chết rồi, T già làm ở giáo dục hả? Thôi chết, tôi nhầm, anh này cũng là T. Thế lên đi, để tôi điện thoại lên nhà nhé!

- Thôi bác ạ, hơn 10h rồi, khuya quá, sợ phiền, mai chúng tôi đến.

Thầy nó nói rồi quay xe, bảo nó:

- Vợ T nó khó tính, kênh kiệu lắm, dân ngoại thương, về, mai đến. Mà không thì lên phòng làm việc cũng được. Cơ mà, lên phòng mang quà cáp cũng ngại, để tính.

Thầy quay xe, vắt chân ngồi lên yên trước, chân trái chống đất, chân phải đạp cần khởi động, hai ba nhát thì xe nổ máy. Nó leo lên yên sau. Giống như lúc đi, nó ngồi sát mép yên phía sau, dành chỗ đặt túi nhãn lên, một tay giữ mép túi, một tay đỡ đáy, giữ cho cái túi không bị va đập trên quãng đường 10 km từ Thái Hà, Chùa Bộc về Tòa B4 Nghĩa Tân. 

Nó mở dây xích cổng. Chào Thầy, ôm túi nhãn vào nhà. Em gái nó ra mở cổng:

- Chị nhẹ nhàng thôi, ba đứa nó vừa ngủ. Túi gì đấy?

- Túi nhãn. Treo cao lên, tối mai đi.

- Không được việc à?

- Ừ!

Rồi một ngày nữa trôi đi. Buổi chiều, thầy nó về qua phòng phòng trọ bảo:

- Cuối giờ chiều mai, lên phòng làm việc gặp anh T, không cần đến nhà, anh ấy dặn vậy nhé. 

- Thầy lên với em ạ!

- Không ở cơ quan, không nên. Cứ vào cổng bảo lên gặp Anh T, đã có hẹn là được. Không cần nói đến Thầy nhé.

- Thế, em mang nhãn lên luôn ạ!

- Ừ, mang lên luôn. Cuối giờ không sao.

5h00 chiều hôm sau nó đạp xe lên Bộ, vừa đi, vừa hỏi đường, chả biết hỏi ai, lại gọi cho anh T:

- Từ nhà ra Cầu Giấy em biết đường chưa?

- Biết ạ!

- Từ Cầu Giấy em cứ đi thẳng lên đê La Thành, đi hết đường hỏi đường ra Bách khoa, rồi hỏi tiếp đến Bộ nhé. Dễ lắm.

- Vâng ạ!

Nó đến Bộ gần 6h00 tối, nói có hẹn với Anh T là bảo vệ auto cho lên ngay. 

Bãi xe trống không, chỉ còn vài cái xe máy, ngoài sân Bộ 1-2 xe con loại bé xíu. Theo thói quen, nó dắt xe đi sâu vào trong bãi, chống chân, dựa vào sát mép tường rào. Chị bảo vệ hóa ra vẫn đi đằng sau:

- Sao phải vào sâu thế, tí ra cho mệt, bãi có ai đâu?

Chị nhìn cái túi nó đeo ở ghi đông hỏi với:

- Gì đấy? Quà biếu xếp à?

Sau này nó biết chị tên L, đồng hương Thái Bình.

Nó đi qua khoảng sân rộng, leo ba tầng, tìm phòng 307 như hướng dẫn. Nó rón rén gõ cửa:

- Em vào đi!

Nó hé cửa bước vào:

- Em chào anh ạ!

- Ừ, lên làm gì. Anh đã bảo đỗ rồi, cứ yên tâm mà.

- Dạ! Em thấy hai tuần rồi nên sốt ruột ạ. 

- Cả Bộ 500 con người anh quản, nhiều việc lắm, anh bảo đỗ là đỗ, không cần lo nhé.

- Vâng ạ!

- Lâu lâu có về quê không?

- Dạ! Em cũng ít về.

- Sao gần thế mà ít về. Phải chăm về quê với bố mẹ chứ!

- Vâng ạ!

- Thứ 5, anh với anh D về làm thủ tục cho em đấy. Về lấy ý kiến nhà trường và Sở giáo dục trước khi ra tiếp nhận. Em có về được thì anh cho xe đón. Nhưng phải bí mật. Anh cho đi nhờ thôi. Không để thầy S biết.

- Vâng ạ. 

- 6h00 sáng thứ 5 đợi ở đường Tạ Quang Bửu phía sau nhé. Chỗ Đội xe ấy. 

- Vâng ạ!

- Túi gì thế?

- Em mua cân nhãn lồng đầu mùa, biếu anh chị ạ!

- Mua làm gì, mang về cho con.

Tất nhiên, nó không mang về. Anh T cầm cả túi nhãn nhét vào cái tủ lạnh góc phòng làm việc. Rồi anh bảo:

- Thế nhé! Về đi, anh cũng về đây. Chị đợi cơm rồi.

- Vâng ạ!

 Nó nhìn theo run run chỉ sợ mấy quả nhãn mua từ hôm qua đã giòn vỏ lại gẫy dập. Định nhắc anh rồi lại thôi, có vẻ anh cũng không còn để ý có nó. Nó khép cửa, ra về. Nó xuống đến nhà xe, dắt được cái xe ra giữa sân thì thấy anh phóng xe máy lao vụt qua. Đến cổng, anh hơi quay vào gật đầu với chị bảo vệ rồi phóng đi rất nhanh. Nó vẫn dắt xe ra cổng, lễ phép:

- Em chào chị!

- Xong rồi à?

- Vâng ạ!

Chị bảo vệ nhận lại cái thẻ khách và trả nó cái thẻ Chứng minh thư nhân dân. Nó đạp xe về, lòng lâng lâng. Thật là sảng khoái vì đã gặp được người quan trọng. Được biết chắc chắn người ta đang làm tiếp các thủ tục tiếp nhận mình. Lại còn được rủ đi cùng, cho về quê bằng xe của Bộ nữa, oách lắm. Nó chẳng có kế hoạch về quê, cũng không có nhu cầu, nhưng nó cũng không nghĩ đến việc từ chối. Quan trọng là nó đã biếu được quà và anh ấy đã nhận quà. Anh ấy không mang về nhà, nhưng anh ấy đã cất tủ lạnh. Và, nếu như ngày mai, khi anh ấy lôi túi nhãn ra, cành có gẫy, quả có rụng hay 1-2 quả dập, chắc chắn anh ấy cũng không nghĩ là do nó chọn quà ẩu, vì dù sao túi quà ấy đã qua ngày và đã được dúi vào ngăn tủ mát chật chội với nhiều đồ ăn khác.

Nó thấy nhẹ nhõm. Nó về đến nhà trời tối sẫm, chừng 7h30. Lỡ mất hai ca dạy. Mất hai ca dạy là mất khối tiền, nhưng hôm nay nó không thấy tiếc. Nó dắt xe vào sân, chống chân chống xe rồi vào nhà. Em gái nó, dắt xe vào nhà, rồi trỏ mâm cơm:

- Chị nghỉ tí cho mát, bọn trẻ ăn rồi, chỉ còn em và chị.

Gian trong, hai thằng cu lớn, mỗi thằng một đầu, ôm cái bàn nhựa với cái đèn bàn, ngồi học, im như thóc. Gian ngoài, chỗ kê cái giường đơn, thằng cu con em gái nằm chơi. Đối diện là cái bàn nhựa màu xanh với mấy cái ghế, trên bàn mâm cơm đậy lồng bàn, đợi nó. Em nó mở lồng bàn, xới cơm:

- Được việc không chị?

- Xong rồi! Thứ 5 họ về thẩm tra lý lịch rồi làm thủ tục tiếp nhận. Về Bộ nên qui trình chặt chẽ hơn.

- Liệu có vấn đề gì không chị?

- Vấn đề gì?

- Em hỏi vậy thôi!

- Đưa nhãn rồi. 

- Họ có mở ra không?

- Không!

- Có sợ họ để ý không?

- Không! Anh ấy dúi ngay vào tủ lạnh nên không biết.

- May quá! Em chỉ sợ họ trả về.

- Chị cũng sẵn sàng rồi. Trả thì mang về, cho bọn trẻ ăn, lo gì.

Chả là, buổi chiều khi lấy túi nhãn xuống đi công việc, nó mở kiểm tra thấy vơi vơi, cành lá còn tươi mà có quả rụng. Nó chưa biết phải làm thế nào thì em nó bảo:

- Em thấy hơn ngày rồi mà chị không mang đi, nghĩ không dùng nữa, nên chọc chọc, quả nào rụng cho trẻ con ăn trước, nhà mình không có tủ lạnh.

- Em thật là phá hoại, bây giờ tiền đâu mà mua đồ mới. Túi nhãn này thầy lĩnh lương mua cho đấy.

- Thế để em lọc ra, mua thêm khoảng ½ cân nữa bù vào là được!

- Dở hơi à, đã có lương ở trường đâu, trong túi chỉ còn mấy ngàn. Thày làm nhà nước mới có lương đầu tháng chứ!

- Vậy để mấy hôm nữa có tiền mua đồ mới rồi đi! Đằng nào túi này cũng rụng hết rồi.

- Người ta hẹn rồi, không đi làm sao được. Đi không có nổi cân quả cảm ơn ai người ta còn muốn giúp.

Nó tức lắm, mặt lạnh như tiền, lôi túm vải ra, lấy kéo cắt mấy cái cành rụng quả lởm chởm, sắp lại, rồi lọc đống quả rụng, bỏ quả hỏng, quả vỡ vỏ, giữ lại những quả tươi, xách đi. Thật may, vì anh ấy đã không mở túi quà ra … Thật may vì anh ấy đã không mang nó về nhà, vì nếu chị ấy là người mở túi quà thì còn tệ hơn.

Hai chị em nó ăn xong cơm thì thầy S đến. Thầy táp xe máy vào hè, chân bước, miệng hỏi:

- Thế nào? Có vấn đề gì không? Có kết quả chưa?

- Em chào thầy ạ! Em chào Thầy ạ! Cháu chào Ông…

Hai chị em nó rồi mấy đứa con với cháu chào Thầy ríu rít. Lúc đó, hai em bé sinh đôi của nó đã về ở với bố, được ở nhà cao cửa rộng, cuộc sống đủ đầy không cần lang thang thuê nhà nay đây mai đó cơm lưng cơm vực với mẹ nữa. Nó cũng phải lựa chọn và sắp xếp để về Bộ làm việc.

- Thứ 5 các anh ấy về Thái Bình thẩm tra thầy ạ!

- Thế à? Thế có cần nói trước chỗ trường và sở không?

- Dạ, em nghĩ không cần đâu ạ! Lúc em đi học, trường phá chẳng cho đi, còn phải quà cáp và bất chấp mới đi được, thì bây giờ có nói cũng thế thôi ạ. Ngày xưa họ cũng vì ngại Sở mà kệ em đi học, chỉ khó khăn tí vụ lương lậu. Bây giờ chắc cũng sẽ ngại Bộ, cùng lắm thì bóng gió thôi chứ vào văn bản chắc không vấn đề gì ạ.

- Vậy thôi nhé. Cần gì thì bảo thầy, chỗ Ông C, Ông V thầy thân cả.

- Thôi ạ. Không được em về Học viện hành chính, chỗ đó thầy Thân đã xác nhận rồi ạ.

- Thứ 5 em về cùng các anh ấy.

- Anh T bảo à?

- Vâng, anh ấy bảo cho đi nhờ về quê. 

- Ờ…!

Thầy ờ rồi đăm đăm nhìn nó. Một lúc thầy bảo:

- Thế, lúc đi nhớ mời Đoàn ăn uống chiêu đãi. Sớm mời đi thăm bãi biển Đồng Châu. Có ai giúp cùng thì tốt. Hay để thầy về cùng!

- Nhưng anh ấy dặn, đây là chuyện bí mật, không được nói với thầy ạ!

- Ờ…!

6h00 sáng thứ 5 đúng hẹn, nó có mặt tại ngã ba Tạ Quang Bửu và Đại Cồ Việt. Khoảng 10 phút thì 1 chiếc xe biển xanh 4 chỗ sang, xin, mịn trờ tới. Nó lên xe. Đến Thái Bình, nó xuống xe phía ngoài, trước khi chiếc xe rẽ vào cổng Sở giáo dục. Anh T dặn:

- Cứ về, tầm 2-3h anh gọi. Anh gọi số điện thoại bàn gia đình nhé. 

- Vâng ạ!

Anh đúng là dân tổ chức. Nó còn chả nghĩ đến đoạn liên lạc. Nó không có điện thoại. Anh thì có cái di động Nokia hay gì đó tựa tựa như cái “cục gạch” bây giờ. Với nó, di động là cái gì bí ẩn và chưa từng có trong từ điển. Nó về nhà với Ba Mẹ, kể cho Ba Mẹ nghe về công việc, Ba nó bảo:

- Nếu tiện cho Ba đi nhờ lên thăm các con 1-2 tuần.

- Chắc được ạ, vì phía sau mới có con và anh T, chắc Ba ngồi nữa vẫn ổn.

Một buổi sáng thứ 5 trôi qua. Đã từ lâu, nó chưa được nhàn nhã thế. Các lớp dạy ở trường dân lập đã xin phép hoặc đổi tiết. Ngày ấy, bọn nó thường cố gắng đổi tiết cho nhau để không bị giảm lương. Mấy ca dạy thêm chiều tối và tối cũng đã đổi được lịch. Thằng cu lớn và mấy đứa trẻ đã có em gái lo. Nó nằm lăn ra giường, ngay cạnh bàn nước nơi Ba nó ngồi, một tí thì ngủ lịm. Trong mơ màng, có tiếng chuông điện thoại bàn, nó choàng dậy. Ba nó nghe máy – Là chị nó làm ở Bưu điện tỉnh gọi về dặn mẹ là đã mua mít về đãi em, có mua thêm mấy quả làm quà cho các. Nó lại lịm đi, nghe loáng thoáng tiếng mẹ nó:

- Chắc lâu không được ngủ ngày, trật tự cho nó ngủ.

Tầm 12h00, nó tỉnh giấc, ở chiếc gường đôi đối diện, mâm cơm bày sẵn, ngay ngắn đợi. Một đĩa cá kho dưa, hai bát canh cua, một bát cà pháo, một đĩa nhỏ tôm trứng rim, 5 cái bát sứ trắng, trên mỗi bát có đôi đũa tre bằng bặn xếp nằm ngang, viền quanh mâm, gần kín thành một vòng tròn. Phía ngoài gần nồi cơm, có một bình nhựa đựng bia tươi, có đá. Nó nhìn bình bia lạnh, những hạt nước lấm chấm bám quanh bình, tự nhiên thấy khát.

- Ăn cơm ạ! Sao không gọi con!

- Cũng vừa xong, để cô ngủ thêm tí cho đủ giấc. Ăn nhé.

Bữa cơm gia đình nó vốn thường trải chiếu cùng nhau ngồi đất, hôm nay ngồi giường, tự nhiên nó cứ thấy là lạ nhưng không tiện hỏi. Như chừng đoán được ý nó, Ba nó nhẩn nha: Ăn trên giường cho sạch sẽ. Người ta đi thẩm tra lý lịch, có khi không báo trước, vẫn ghé nhà. Mình cứ cẩn thận vẫn hơn. Nó nhìn quanh nhà, phía bàn nước, trên bệ cửa sổ đã thêm một lọ hoa tươi nho nhỏ, ngang lưng cái lọ hoa, nơi mọi ngày mẹ nó thường thắt một sợi dây đay giữ cho cái lọ không bị rơi vỡ, hôm nay thay bằng một sợ dây dù màu đỏ. Bộ ấm chén chắc mới được đánh rửa sạch sẽ, úp chằn chặn trong khay. Gian ngoài, điện bật sáng, sạch đến không còn hạt bụi. Cái điếu cày của Ba nó không thấy đâu, chắc mẹ nó cất kĩ dưới bếp rồi. 

Sau bữa trưa, chị nó lại đi làm, cậu em cũng đi làm, chỉ còn nó và Ba Mẹ. Bọn trẻ con, con chị, con em, con nó… đều theo nó, định cư Hà Nội cả rồi. Mẹ nó không động vào bộ cốc chén sạch sẽ, lấy 3 cái cốc thủy tinh vừa uống bia rửa sạch, rót 3 cốc trà xanh, trao tận tay cho Ba và nó, đặt một cốc cho mẹ cạnh bàn, tay đậy cái ấm giành, ém ém cho thật chặt:

- Uống cốc này cho tiện, đỡ phải rót nhiều lần! Mở ra, mở vào nguội hết.

Ý tứ là vẫn đợi khách của Bộ và Sở ghé nhà nó.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.