- Truyện ngắn
Thầy hiệu trưởng
Thứ hai - 21/04/2025 08:01
(Ảnh: TSVH Đào Thanh Bình)
THẦY HIỆU TRƯỞNG
Tác giả: Thanh Bình
Tháng 10 năm 1986, một ngày thu đẹp.
Nó 21 tuổi, cao 1,6, nặng 40 ký, tóc dài qua gấu áo,tết đuôi sam cùng với hai nơ bằng vải voan to màu hồng thắm. Nó diện bộ quần áo đẹp, theo Mẹ đến trường mới. Hôm nay là ngày đầu tiên Nó đến nhận công tác ở trường Trung học phổ thông của Thị xã. Nó mới ra trường năm đầu, còn Trường mới thành lập năm thứ hai.
Mẹ Nó, 56 tuổi. Trên nó có 4 anh chị. Sau nó, có 4 người em. Mẹ sinh chị đầu tiên 1955, sinh em út năm 1972, tính ra sòn sòn sấp xỉ đôi năm 1 bé, mà kì lạ thế, cứ tẻ, nếp rồi tẻ, nếp… như một phép màu. Nhiều lúc Nó không dám nghĩ lại thanh xuân và trung niên của Mẹ. Thương lắm, xót lắm, cứ nghĩ về là lại ầng ậng.
Mẹ chở Nó trên chiếc xe đạp Thái Bình, cũ mà khung xương rất chắc chắn. Mẹ ngồi lên yên, chân phải đặt hờ lên bàn đạp, chân trái chống xuống đất, hai tay nắm chặt ghi-đông:
- Con lên đi, ngồi sâu vào, cho vững. Được chưa? Đi nhé! Mẹ Nó nói liền mạch, như thói quen nằm lòng, mỗi khi chở Nó hay các anh, chị, em khác.
Không đợi Nó trả lời xong, mẹ đã dúi chân phải, đạp mạnh xuống và… cứ thế, từng vòng, từng vòng, qua phố Lê Lợi, Trưng Trắc, rồi rẽ trái ở ngã tư Lạc Đạo - Trần Lãm, đi một đoạn lại rẽ trái và rẽ trái thêm một lần nữa, khựng xe trước sân Đình Cả, ngoái lại:
- Xuống đi! Sửa sang lại quần áo cho chỉnh tề!
Mẹ Nó cũng xuống xe, gẩy cái chân chống, để xe sát mép hè, sẽ lấy mặt trong vạt áo, quay mặt ra phía đường, lén lén lau mồ hôi lấm tấm trên trán và hai bên má. Rồi Mẹ Nó mở cái túi vải, thận trọng lấy ra một Tờ giấy A4, là bản Quyết định phân công công tác của Ủy ban nhân dân Thị xã dành cho nó, cùng với túi hồ sơ cá nhân, kiểm tra từng tờ, từng tờ… hết một lượt, mới yên tâm cùng nó đi vào phòng Thầy Hiệu trưởng.
Trường mới còn đang xây dựng nên đóng tạm ở Đình Cả Trần Lãm, có 2 dãy nhà học, mỗi dãy khoảng 4-5 phòng. Phía sau, có dãy 3 phòng nhỏ, mỗi phòng khoảng 6m2. Nó có nhiều kỉ niệm ở dãy phòng này lắm. Những kỉ niệm vui, buồn, và buồn cười mấy năm ở tập thể giáo viên, nơi ấy.
Phòng Thầy Hiệu trưởng nằm ngay lối vào, quay về phía mặt trời mọc, phía trước là một khoảng sân rộng khoảng hơn chục mét, trông ra một cái ao rộng. Phòng lớn, có một cửa chính và hai cánh cửa phụ. Cửa gỗ trạm trổ cổ kính và uy nghiêm lắm. Mẹ nó bước đi, chỉn chu nhưng dáng vẻ đầy tự hào. Chưa bao giờ Nó thấy Mẹ rộn ràng, rạng rỡ và hạnh phúc như thế, chân bước nhẹn, miệng nói cười, như hoa buổi sớm vậy.
- Vào đây con!
- Trường con đấy!
- Thầy Hiệu trưởng của con đấy!
- Chào Thầy đi con!
Hai mẹ con nó bước qua bậc tam cấp, chân chạm bậc cửa, cùng ríu rít:
- Chào Thầy ạ!
- Em chào Thầy ạ!
Nó cất tiếng chào Thầy ngay sau khi Mẹ dứt lời. Lòng Nó dâng lên cảm xúc thiêng liêng khác lạ. Hôm nay là ngày đi làm đầu tiên của Nó. Lại được dạy học ở ngôi trường cấp III mới, đúng nguyện vọng của Nó, đây là cuộc gặp đầu tiên của Nó với Thầy Hiệu trưởng, mà trước đó, Nó được giới thiệu là một trong những Hiệu trưởng giỏi nhất Tỉnh, được điều động từ huyện về xây dựng Trường Điểm cho Thị xã. Nó háo hức chờ đợi một sự khởi đầu mới, sự nghiệp làm Thầy, để được làm Cô giáo Giỏi & Tâm huyết như các Thầy Cô của Nó.
Nó kịp nhìn thấy Thầy Hiệu trưởng, đứng lên, bước ra từ một chiếc bàn lớn, có rất nhiều tài liệu. Phía sau lưng Thầy là tủ gỗ lớn, với rất nhiều cuốn sách dày cộp, xếp ngay ngắn kín các ô tủ. Thầy bước ra rất nhanh, ngay khi chân Mẹ nó vừa chạm bậc cửa chính, và chân nó đặt thềm bên cạnh, phía ngách phụ. Thầy đi qua Mẹ nó, bước hẳn ra ngoài thềm:
- Chị và cháu đến có việc gì thế? Cháu học lớp mấy?
- Dạ, thưa Thầy, Em dẫn cháu đến, xin được gặp Thầy ạ!
- Lớp mấy?
- Dạ, cháu có Quyết định của Ủy ban phân công công tác về Trường Thầy ạ!
- Cái gì? Tôi tuyển bao giờ mà có Quyết định?
Thầy vừa nói vừa bước xuống sân, hai mẹ con Nó cũng cứ thế bước ngược ra, theo sau lưng theo Thầy. Rồi Thầy gọi với sang một phòng khác ở phía bên cạnh:
- Ông V ơi! Xem này!
Và Nó thấy, một Thầy giáo trẻ hơn một chút, dáng mực thước, đi ra:
- Chào Thầy ạ!
- Em chào Thầy ạ!
Nó nhận ra Thầy. Thầy là chuyên viên phụ trách Văn của Sở Giáo dục. Suốt 10 năm học phổ thông, mỗi khi nó nhận thưởng học sinh giỏi môn Văn, Thầy và Thầy Phó Giám đốc Sở đều về trường trao phần thưởng cho Nó và các bạn. Ba kì tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi miền Bắc và toàn quốc, năm lớp 4, lớp 7 và lớp 10, Nó đều được gặp Thầy, học Thầy và các Thầy Cô giáo giỏi của Tỉnh.
Thầy đi ra, đôi mắt thân ái sau cặp kính cận trắng, khẽ nhìn Nó & Mẹ, rồi nhận tờ Quyết định từ tay Thầy Hiệu trưởng, từ tốn đọc:
- Vậy là như thế nào anh nhỉ?
Thầy hỏi Thầy Hiệu trưởng. Còn Thầy Hiệu trưởng lại quay qua nhìn tôi:
- Sao cô có Tờ Quyết định này?
- Dạ, khi ra trường, em nộp Đơn xin việc lên Phòng Giáo dục ạ. Đợt đó có thông báo: Ưu tiên tuyển học sinh giỏi của Tỉnh được vào thẳng ĐHSP trở về cống hiến ạ.
- Ai gọi cô lên lấy Quyết định?
- Dạ Thầy Phùng ạ! (Thầy Phùng là TP Giáo dục, nguyên là giáo viên giỏi Văn được điều về Phòng).
- Sao cô lại về đây?
- Dạ, em đào tạo Sư phạm 1 nên em được phân công dạy cấp III ạ!
- Ông mang Quyết định này lên trả Ủy ban đi. Tôi có tuyển đâu mà tôi nhận. Tôi tuyển cô H mà sao chưa thấy Quyết định. Ông hỏi họ luôn nhé.
Thầy Hiệu trưởng nói với thầy Phó HT rồi quay qua nói với Mẹ con nó:
- Bà với Cô về đi. Để chúng tôi làm việc lại với Phòng Giáo dục.
Thầy không gọi Mẹ bằng Chị và không gọi Nó là Cháu như lúc đầu nữa. Rồi Thầy tiếp:
- Sao gầy thế? Bao nhiêu cân?
- Dạ, cháu nó hơn 40 cân ạ!
- Gầy thế lấy sức đâu mà dạy?
- Dạ, trăm sự nhờ các Thầy ạ! Được ăn cơm các Thầy là béo tốt ngay thôi ạ.
- Bà với Cô cứ về đi! Có gì lên Phòng Giáo dục nhé!
Thầy Hiệu phó dúi trả tờ Quyết định vào tay Mẹ nó.
Nắng đã lên, gắt hơn, rát hơn. Thầy vẫy Thầy PHT định đi vào phòng.
- Thưa Thầy! Hôm nay tôi dẫn cháu đến là để bàn giao cho Thầy ạ! Cháu đã là giáo viên, là người của Nhà nước rồi, có Quyết định phân công của Ủy ban rồi, gia đình xin giao cháu lại cho Thầy ạ! Mẹ nó vượt qua Thầy HT, bước hẳn vào trong phòng, đặt tờ QĐ và tập hồ sơ lên bàn, ngay chính giữa bàn, trước ghế ngồi của Thầy, rồi quay trở ra, cùng Thầy dừng lại ngay giữa cửa. Nắng chiếu đỏ au hai gương mặt Thầy nó & Mẹ nó.
Thầy PHT chắc chừng nhận ra giọng Mẹ nó đã có phần cứng rắn nên lấy lý do có dự giờ, dời đi.
Mẹ nó rút cái quạt giấy trong túi vải, xòe ra, quạt quạt cho Thầy:
- Trời thu mà sao nắng quá! Phòng Thầy hướng Đông quay về hướng mặt trời mọc, lại nhìn ra ao rộng, đủ nắng ấm, gió lành, vận khí tốt, thật phúc phần vì cháu được nương cậy vào Thầy.
- Bà cho cô ấy về đi, dạy học sinh cấp III khu vực Thị trấn, Thị xã này không phải chuyện đùa đâu. Tôi thấy bên phân hiệu Năng Khiếu cấp II Minh Thành đang tuyển người đó. Bà về cho cháu bồi bổ cho béo khỏe lên, rồi sang đó. Bà biết Thầy Cầu chứ!
Mẹ Nó ngẩn người. Nó nhanh nhảu:
- Dạ! Em biết ạ! Thầy Cầu dạy em hồi cấp II. Từ lúc ra trường, Thầy đã lên Phòng GD xin cho em về bên đó, em cũng dạy mấy tháng rồi, thích lắm ạ. Nhưng em được đào tạo để dạy cấp III nên em mới viết đơn xin về trường cấp III ạ.
- Học giỏi sao không về Chuyên Văn Nguyễn Trãi ? Dưới đó đang tuyển đó.
- Dạ! nhưng em hộ khẩu Thị xã, nên em nộp Đơn ở Phòng GD Thị xã ạ, đi Vũ Thư xa quá ạ.
- Bà cho cô ấy về đi! Chúng tôi tuyển đủ người rồi. Dạy ở đây là cưỡi lên mình Hổ đấy. Cưỡi lên không được, nhảy xuống thế nào Bà hiểu rõ nên khuyên giải cho cô ấy.
- Dạ, thôi Thầy cứ cho cháu theo Thầy ạ! Đúng là như cưỡi lên mình Hổ ạ! Nhưng Thầy cưỡi được Thầy cho cháu theo. Thầy xuống, cho cháu xuống cùng. Không Thầy nào nỡ để Hổ ăn thịt trò đâu ạ! Hôm nay là ngày đầu cháu đi làm, Thầy cho tôi gửi cháu, chiều tôi đón vì cháu chưa có xe và chưa quen đường.
- Con ở đây với các Thầy nhé! Chiều mẹ đón.
Rồi mẹ Nó bước nhanh như chạy ra xe, gạt chân chống, lên xe, đạp vèo vèo…
Nó nhìn theo Mẹ, rồi nhìn Thầy. Thầy đi vào trong phòng, lại uy nghiêm ngồi bên chiếc bàn đầy tài liệu. Nó lặng lẽ đứng chầu trước thềm ngách, mặt đỏ lựng vì nắng, trán và má mồ hôi nhễ nhại. Thầy chợt nói vọng ra:
- Vào phòng Hội đồng mà ngồi!
Năm 21 tuổi, Nó đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên như thế.
Hai tuần tiếp đó, Nó cứ sáng đến, chiều về. Ngoài lúc chào Thầy Hiệu trưởng, Nó lặng lẽ như cái bóng. Nó ngồi tại Phòng Hội đồng, tự chọn cuốn “Giảng văn” của các Thầy Sư phạm để đọc. Lúc một mình nó xem bảng tin, thời khóa biểu. Khi trống giải lao, Nó len lén ra ngoài như là đi vệ sinh, khi các giáo viên lên lớp, nó lại vào.
Đến tuần thứ 3, Nó được giao việc với học sinh khối 9 (tương đương lớp 11 bây giờ). Nó dạy Văn lớp 9G, mà thời ấy mọi người đều gọi là lớp GẤU và dạy Nữ công cho các lớp 9 còn lại.
Nó, con bé học đến Đại học không biết phân biệt các loại cá, chưa từng một lần mổ cá, giết gà, thái thịt…thậm chí còn không biết thái chỉ su hào, cà rốt, lại trở thành cô giáo dạy nữ công gia chánh. Nó vừa tự học vừa dạy lại cho học trò, cô trò cùng nhau mày mò, thử nghiệm: làm mứt, thêu khăn, đan, móc...
Trong ký ức của nó, mãi nhớ cậu học trò 9G tên Huấn, tên Huy. Huấn Quậy ke xe cô giáo lăn xuống rãnh nước ngay lối vào trường. Huy Gàn chọc cô, mặc áo mưa sột soạt đẫy hai giờ văn, thà mồ hôi nhễ nhại quyết không lùi bước. Còn nhớ hắn, sau này, dù không học Nó nữa, mỗi khi gặp trên đường, vẫn lạch bạch, gấp gáp dời mông khỏi cái yên xe, hạ cả hai cái chân vội vã, hấp tấp: Em chào cô ạ! Có dạo Nó khó khăn, tối về mở thêm cửa hàng tạp hóa, nó thường chạy ra mua vở, bút cho cô với câu cửa miệng: Em mua cho cô đắt hàng… Nó cũng nhớ cô học trò nhỏ tật nguyền, chiều 29 tết, chống nạng, đợi Nó bên triền đê, để được cô giáo kiểm tra món mứt tự làm đón Tết.
Năm học thứ hai, ngoài dạy nữ công lớp 9 rồi thêm cả lớp 10, nó dạy Văn hai lớp 9, lúc đó đã đổi sang gọi là Lớp 11. Có một lớp của giáo viên chủ nhiệm, mà mọi người bảo: CHỦ NHIỆM GẤU NHẤT trường. Cứ đến giờ Văn Thầy Chủ nhiệm lại vác ghế ngồi dự giờ, hôm thì ngồi cuối lớp, hôm thì ngồi ngay cửa chính lớp ngó vào, có hôm thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc ngó cửa sổ trên, lúc nhòm cửa sổ dưới, lúc nào mặt cũng lạnh te. Nó chưa bao giờ giải thích được vì sao Thầy Chủ nhiệm lại thích dự giờ Văn của nó như thế cho đến một hôm. Hôm ấy họp Hội đồng Sư phạm trường, Thầy Hiệu trưởng hỏi:
- Thầy H, thầy có ý kiến gì về các giáo viên bộ môn của lớp không?
- Vâng, tôi có ý kiến. Hôm nay tôi cũng xin thành thật xin lỗi cô Thanh, vì tôi đã từng không tin cô, không muốn nhận cô dạy lớp tôi chủ nhiệm.
Rồi Thầy kể lại:
- Khi nhận phân công giáo viên Văn của lớp,một cô giáo vừa ra trường, vừa gầy, vừa yếu, trông như trẻ con, tôi đã gặp Thầy Hiệu trưởng đòi đổi giáo viên. Lúc đó, Thầy Hiệu trưởng bảo tôi: “Thầy phải có bằng chứng cô ấy không dạy được, học sinh không hiểu bài thì mới trả chứ! Thầy trả tôi bây giờ, tôi trả ai, cô ấy ăn lương thì phải làm”. Vì vậy suốt học kì vừa qua tôi đã xem cô dạy. Bây giờ xin Thầy Hiệu trưởng đừng đổi giáo viên Văn lớp tôi nữa. Sang năm cứ giữ nguyên, lớp 12 quan trọng. Cô dạy rất hay, Thầy còn mê nữa là trò”.
Rồi, Thầy phăm phăm bước đến chỗ Nó, bắt tay, xiết tay rõ là đau. Chính vì đau mà Nó rất nhớ cái xiết tay ấy mãi, đến tận bây giờ, ngay cả khi Thầy không còn nữa. Nó nhớ sự công tâm và bao dung của Thầy.
Hôm đó cả Hội đồng cười ồ. Thầy Chủ nhiệm GẤU thì rất vui. Nó cũng vui nên không để ý Thầy Hiệu trưởng như thế nào.
Cứ như thế, nó trở thành Giáo viên dạy giỏi, trở thành một phần giá trị của Trường và với CMHS, HS. Chả thế, gặp lớp khó hay tình huống khó xử là Thầy Hiệu trưởng lại giao cho Nó. Nó tự hào lắm.
Năm 1995 khi Nó làm Đơn xin đi học cao học, Thầy Hiệu trưởng nhận lời nhờ cậy của một người quen, Thầy quyết không ký giấy, nên ép nó Đi học không hưởng lương, Nó ngây thơ mang Đơn lên Sở lấy Quyết định. Sở bảo: Đi học không hưởng lương là sai chỉ đạo của ngành. Rồi Sở ra Quyết định cho Nó đi học, có hưởng lương. Thầy giận lắm. Sau này nó nhờ chị gái đi nhận lương. Chị Nó là người khuyết tật, chân đi bước thấp bước cao nhưng kiên trì mỗi tháng đều đến trường xin lương cho nó. Tháng thuận đi đôi lần. Tháng không thuận đi lại đến 3-4 lần, đều rất lận đận. Cơ mà nghèo quá, bìu ríu nhau một mẹ ba con ở đất Hà Nội, dù thế nào vẫn phải lẽo đẽo theo lương.
Năm 1998, đầu Xuân, Nó đi chùa, rút thẻ. Người ta bảo con người ta khi bĩ cực sẽ muốn hỏi và phó mặc số phận cho Trời Phật. Thật may, Mẹ Nó đọc xong thì bảo: Năm nay vượng, yên tâm. Vượng thật, gần 12 năm lập nghiệp, lần đầu trong đời, nó biết thế nào là một năm Vượng Khí: Nó bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ, còn được Hội đồng khuyến nghị nên làm tiếp Nghiên cứu sinh; Nó được kết nạp vào Đảng tại Trường ĐHSP HN 1 với một cơ hội vàng trở thành Giảng viên trong tương lai gần; Được tuyển dụng về làm công chức Bộ GD&ĐT với một Hội đồng phỏng vấn oách xà lách hơn 10 giáo sư đầu hói ở rất nhiều bộ phận: TCCB, VP, Vụ chuyên môn, với chủ trì là VỤ trưởng Vụ TCCB và có cả Thứ trưởng phụ trách VP tham gia nữa … Cũng là năm đó, Nó được lộc từ Thầy Hiệu trưởng trường THPT THị xã. Nhà trường xét trợ cấp khó khăn đặc biệt cho nó, với mức biên nhận 1, 1tr đồng, trừ chi phí còn 800 ngàn đồng chẵn (là bằng hai tháng lương ở Bộ lúc đó). Thầy Chủ tịch Công đoàn còn tìm đến tận Nhà A12 Nghĩa Tân, nơi Nó & các con trọ, trao tiền trợ cấp tận tay. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, là có thật.
Nó biết ơn vì Thầy Hiệu trưởng, biết ở Chủ tịch CĐ và HĐSP nhà trường cho Nó cảm giác hết nghèo ngay lập tức. Nó đã gom số tiền đó, trả nợ cho TS Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch HĐQT NGuyễn Bỉnh Khiêm, trừ vào khoản 2 tr đồng Thầy cho Nó vay nộp học đầu năm học 1995 – 1996 cho các con.
Nó Biết ơn Thầy Hiệu trưởng trường THPT đã cho Nó cơ hội trưởng thành. 10 năm dạy học là 10 năm trải nghiệm khốc liệt và giá trị để góp phần làm nên một Nó bao dung, trí tuệ của 30 năm sau và đến tận bây giờ. Cảm ơn Thầy nhiều lắm.