- Tản Văn
Cây chuối
Thứ năm - 11/04/2024 16:32
(Ảnh: Chien Tran)
CÂY CHUỐI
(Trần Anh Chiến)
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Thường ngày, mỗi khi nhớ về mảnh vườn quê tôi vẫn hay thầm đọc 2 câu thơ của Lưu Quang Vũ. Mấy ngày nay lại nghe xôn xao chuyện lá chuối vào siêu thị để gói đồ, trong lòng thấy vui vui nên tản mạn mấy dòng về cây chuối.
Vườn nhà tôi ngày xưa có rất nhiều cây, có loại do trồng, có loại do tự mọc. Nhiều nhất là mít và chuối. Đó cũng là 2 loại cây có giá trị nhất và gắn bó thân thuộc nhất với tất cả mọi thành viên trong nhà. Riêng về chuối cũng có nhiều loại: Cây to cao nhất là chuối mật. Loại này có thân cây màu tím thẫm, có lẽ cao đến gần 4m, quả to bằng cổ chân nhưng giá trị không cao. Tuy vậy, bọn trẻ lại rất ưa chuộng chuối mật vì đó là nguồn cung cấp những sợi dây thật dài và thật bền để dùng trong nhiều trò chơi. Ngoài ra, còn có chuối hột, chuối mốc (chuối sứ), chuối gáo, chuối mít (thơm mùi mít). Nhưng chuối cau với chuối và (chuối già) là 2 loại có giá trị nên được trồng nhiều nhất.
Nói về chuối, người ta thường nghĩ đến loại quả thơm ngon bổ dưỡng mà nam phụ lão ấu đều dùng rất tốt. Bây giờ lá chuối lại được dùng gói đồ trong siêu thị thì quả là một chuyện thú vị. Nhưng cây chuối còn nhiều chuyện để kể lắm. Mà kể chuyện về cây thì phải có gốc, có ngọn.
* Gốc chuối: Chuối là cây thân thảo khổng lồ nhất trên trái đất hiện nay. Nhưng chuối lại là loại thân củ. Cái thân to tròn, thẳng tắp mà ta vẫn thấy chỉ là thân giả. Đã là củ nên thời gian sinh trưởng chủ yếu của củ chuối là ở dưới mặt đất. Đến khi thân giả phát triển hết thì củ chuối mới phát triển theo dọc thân giả rồi trổ hoa tạo buồng. Vì thế, củ chuối là bộ phận quan trọng nhất của cây chuối. Ấy vậy mà dân ta lại thường ví"đầu củ chuối", "đồ củ chuối" để chỉ những thứ chẳng ra gì. Chuyện này chắc là xuất phát từ các món ăn làm bằng củ chuối. Để làm những món này, người ta đào củ chuối chưa lên khỏi mặt đất, cắt khúc rồi luộc nhiều nước như luộc măng. Vì lẽ đó mà dân ta cho rằng món củ chuối chẳng có chất bổ dưỡng gì hết. Ngày trước, bà thường kể: Hồi Ất Dậu 45, nhiều gia đình nhờ món củ chuối nấu với cám mà qua được nạn đói. Rồi những năm khó khăn, dân ta vẫn lấy củ chuối giã nhuyễn với thịt để gói giò. Bây giờ, vẫn còn những món dân dã mà đặc sản như món lươn, ốc, ếch nấu củ chuối. Còn nhớ hè 2015, mình được chú em Trần Khắc Hoàng chiêu đãi một bữa củ chuối ở một quán nhỏ trên đường Phan Đình Phùng nối dài của Tp. Hà Tĩnh. Đơn giản thôi, chỉ là củ chuối xào với tép đồng, rắc lên một ít lạc rang cùng mấy cọng rau thơm. Thế mà cũng trôi được mấy lon.
* Thân chuối: Như đã nói, thân chuối (cây chuối) chỉ là thân giả. Đó là những bẹ lá cuộn chặt lại mà thành. Tuy vậy, thân chuối có nhiều công dụng lắm. Gần đây nghe người ta bảo rằng vào chập tối cứ cắt ngang cây chuối hột còn non rồi khoét một lỗ ở giữa, sáng mai hút lấy nước trong đó để chữa được khối bệnh. Chuyện này chẳng biết thực hư thế nào, nhưng thân chuối hột non (to khoảng bằng bắp chân) thái mỏng là một món rau sống rất khoái khẩu. Tuy vậy, ta phải vừa thái vừa thả những lát chuối ngâm vào chậu nước lã có ít muối để chuối được trắng và giòn. Chỉ cần vớt ra khỏi nước khoảng một tiếng là những lát chuối sẽ thâm ngay, trông hết cả ngon. Để khắc phục nhược điểm này, người ta đã tạo ra những loại hóa chất bảo đảm làm cho thứ này (cùng bắp chuối thái, rau muống chẻ) để cả ngày mà vẫn tươi trẻ, hấp dẫn. Nhưng chủ quán không bảo đảm khi nào bạn sẽ phát bệnh(!). Thế đấy, chuối không hại người bao giờ, chỉ có con người ta làm hại nhau mà thôi.
Riêng trong tuổi học trò của tôi, những cây chuối nhỏ còn gắn liền với những buổi trực nhật. Hồi cấp 1, cấp 2, mỗi lần phải trực nhật là tôi ra vườn cắt một cây chuối to bằng cổ chân, dài chừng 30 cm, hai đầu chẻ nhỏ để làm dụng cụ lau bảng. Cây chuối lại phải song hành với nhọ nồi (lọ nghẹ). Món này có ở ngay dưới đáy nồi. Nhiều nhất và mịn nhất là ở nồi đất. Còn nhớ, có lần cạo hăng hái quá mà tôi làm nứt cái nồi đất. May sao, bà đã tái sử dụng làm nồi rang nên coi như tôi được xóa tội. Đến lớp, ta chấm cây chuối vào nhọ nồi, chùi thật kỹ cho đến khi bảng đen nhánh thì thế nào cũng được thầy cô khen. Duy có một việc cứ ám ảnh tôi mãi. Đó là một lần, khi đùa nghịch tôi đã lấy cây chuối đầy nhọ nồi ném vào mấy thằng bạn. Không may cây chuối lại trúng lưng một cô bạn đang mặc một chiếc áo Pôpơlin vừa may, trắng tinh. Bạn ấy khóc cả buổi; còn tôi cả tuần không dám nhìn bạn.
Rồi đến khi thu hoạch buồng xong, thân chuối vẫn còn khối giá trị. Trước hết, thân chuối thái ra làm thức ăn chăn nuôi. Từ bao đời nay người Việt ta vẫn làm vậy. Còn nhớ hồi khủng hoảng kinh tế những năm 80 của thế kỷ trước, không chỉ nông dân mà cả cán bộ cũng lao vào nuôi lợn để cải thiện đời sống. Nhà tôi cũng vậy. Nhớ nhất là chuyện thái cây chuối cho lợn. Mỏi rã rời cả tay cũng như toàn thân. Cũng may, trong nhà có chú em thuận cả hai tay. Mỏi tay này thì đổi sang tay khác. Nhờ vậy mà hai ông anh cũng đỡ được phần nào!!! Mới đây, nghe Bộ Nông nghiệp ra Thông tư ban hành Danh mục các loại rau củ quả được phép dùng làm thức ăn chăn nuôi mà không có thân chuối. Chuyện này sao mà giống việc cấp phép cho các bài hát đến thế?!!! Mà thôi, việc của Bộ thì Bộ cứ mần. Chuối của dân thì dân cứ thái. Cây chuối có độc hại bao giờ!
Hồi ở quê, hầu như năm nào dân xã tôi cũng gặp lụt. Khi nước vào nhà mới thấy thêm giá trị của thân chuối. Chỉ cần 3 cái cây chuối kết lại là thành một chiếc bè. Gà, chó, lợn có thể an tâm qua mấy ngày lụt. Nhưng chiếc bè cùng gà lợn là việc của người lớn. Bọn trẻ chỉ cần 2 cây chuối để có một chiếc bè chống đi khắp vườn. Rồi tiện con nước, ghé qua mấy vườn hàng xóm để nắm tình hình về báo cho bố mẹ, cũng tiện thể thu hoạch vội mấy quả ổi, quả hồng gì đó. Mà cũng đâu chỉ có ngày lũ. Bởi nhà gần sông nên tôi vẫn hay cùng mấy thằng bạn khiêng vài khúc chuối ra bến sông để bơi. Vui nhất là ôm lấy một đầu thân chuối, đầu kia vểnh lên như nòng pháo. Cứ thế mà chiến đấu. Hết buổi lại kéo lên bờ, hôm sau chơi tiếp.
* Lá chuối: Lá chuối được mọc ra từ củ chuối. Khi mới lên khỏi thân cây, lá vẫn cuộn chặt lại nên ta hay gọi là ngọn chuối hoặc đọt chuối. Khi vừa bung, lá chuối non có màu xanh đặc trưng gọi là màu nõn chuối. Lá chuối được dùng vào vô số việc. Này nhé:
Trước hết là để gói đồ mỗi lần đi chợ. Thịt, cá, bánh đúc, bún . . . đều được gói bằng lá chuối. Tùy theo loại hàng mà dùng lá chuối tươi hoặc khô. Đúng là không được tiện dụng như túi nilon nhưng về đến nhà là có thể ném xoẹt tấm lá chuối ra vườn. Độ 1 tháng thì lá sẽ hoai mục, lại tốt cho đất. Còn túi nilon á, đến đời chắt vẫn vẹn nguyên nhé!
Hồi trước, trong nhà thường dùng lá chuối khô nút các hũ đựng đậu, lạc, khoai khô. Đừng hòng mà bị ẩm mốc. Lại chuyện rượu cuốc lủi đựng trong hũ sành, nút chặt bằng lá chuối, chôn xuống đất thì càng tốt. Độ 1 tháng mở ra là êm ngay. Dân ta bảo lá chuối đã hút hết cái độc trong rượu.
Nhưng có lẽ giá trị phổ biến nhất của lá chuối là để gói các loại bánh. Ngay cả bánh chưng thì dân quê tôi vẫn có nhiều nhà dùng lá chuối thay vì lá dong. Lại có những loại bánh phải nhất quyết dùng lá chuối thì mới chịu. Đó là các loại bánh gói, bánh tét (bánh ống); bánh gai thì phải lá chuối khô; cả món giò lụa cũng dùng lá chuối mà thôi. Lại còn món nem chua. Có người bảo nem chua Thanh Hóa ruột bé mà lá chuối thì nhiều, chắc vì lợi nhuận. Nói thế là chưa hiểu hết nguyên lý làm món nem chua. Rồi ngay cả bánh dày, dù không gói nhưng thiếu lá chuối là không ổn. Mà ngon nhất nước là bánh dày Quán Gánh(Thường Tín, Hà Tây), nơi mình học ĐH ngày xưa. Nhìn chiếc bánh dày tròn đầy, trắng muốt nổi bật trên màu xanh của mảnh lá chuối bé nhỏ, vuông vắn mới tạo hình làm sao. Cũng không biết người xưa có ẩn ý về "Trời tròn Đất vuông" không nữa. Nhưng chắc chắn là chỉ lá chuối tươi thì mới gỡ ra khỏi bánh dễ dàng.
Còn tôi thì vẫn khoái dùng lá chuối cuốn làm kèn mà toe toe suốt ngày, vui hơn cả kèn Vuvuzela bây giờ.
* Hoa chuối (bắp chuối): Có màu đỏ sẫm, trông như quả đạn chống tăng B40. Được gọi là hoa nhưng hoa chuối chẳng được người ta chưng để ngắm bao giờ, chỉ dùng làm rau thôi (rau sống, nhúng lẩu, trộn gỏi hoặc đơn giản là xào lên. Ấy vậy mà hoa chuối vẫn đi vào thơ đấy. Tố Hữu có câu "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi"; Nguyễn Mỹ lại viết "Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi - Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người". Hồi cấp 3 tôi cứ thắc mắc: Hoa chuối có màu đỏ sẫm chứ sao lại đỏ tươi? Rồi đến năm 1987, tôi đi thực tập tốt nghiệp ở Việt Trì. Trong lần "xê dịch" theo tàu ngược lên Phố Lu, tôi nhìn thấy một cánh rừng chuối với những bông hoa chuối đỏ tươi chĩa thẳng lên trời. Thế đấy, "không đi không biết đỏ tươi"!!! (Lưu ý: Hoa chuối rừng chỉ đỏ tươi khi ở trên cây, hái xuống là chuyển sang đỏ sẫm). Nhưng mình vẫn thích nhất là bài "Cây chuối" của Nguyễn Trãi với 2 câu:
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
* Quả chuối: Không cần kể thì mọi người cũng biết ở cây chuối thì giá trị nhất là quả chuối. Đơn giản, chuối là cây ăn quả mà. Bởi vậy, chỉ xin nêu vài nét chính.
Khi còn xanh, chuối đã được sử dụng làm nhiều món ăn. Chuối xanh thái mỏng để ăn sống với các loại rau, ngon nhất là chuối hột. Sinh thời, Cậu (bố) tôi rất thích món chuối xanh chấm ruốc (mắm tôm). Lại nữa, có thể khẳng định, dân xã tôi không nhà nào không biết nấu món canh chuối xanh. Quả chuối xanh gọt vỏ hoặc chỉ cần tước lớp vỏ mỏng cho nó tiết kiệm, rồi nấu với mắm tôm cùng lạc sống giã nhỏ. Dẫu sao đó cũng là món ăn nghèo khó. Nhớ chỉ để mà thương. Nhưng vào dịp ra lụt, cua đồng nhiều vô kể; con nào con nấy vàng ươm. Loại này nấu với chuối xanh thì đúng là đỉnh cao của đặc sản! Còn mấy món chuối xanh nấu lươn, ốc, ếch thì cũng . . . thường thôi!
Rồi khi chuối gần chín thì gọi là chuối ương (dở dở ương ương). Loại chuối gáo nhất quyết phải luộc khi ương mới ngon, để chín ăn chua chua.
Ngày trước, bà tôi hầu như ngày nào cũng ra thăm vườn, mục đích chính là xem các buồng chuối đã thu hoạch được chưa. Nếu để chuối chín cây là mất giá ngay, vì nải chuối sẽ chín không đều. Bà tôi dấm (dú) chuối trong một cái chum lớn ở góc bếp. Trước khi xếp từng nải chuối vào, bà đã lót mấy lớp lá chuối khô xuống đáy chum để hút ẩm. Trên cùng là một chiếc bát đựng vỏ bưởi khô, rồi bà đốt mấy que hương cùng vỏ bưởi. Miệng chum bịt bằng chiếc bao tải gai. Độ 2 - 3 ngày là chín. Ngày bà dỡ chuối thật vui. Tôi mặc định nhón ngay nải chuối út xếp trên cùng. Thích nhất là chuối cau. Những quả chuối út tròn tròn như ngón chân cái người lớn, vàng ươm trông thật hay. Tôi cứ hít hà cái mùi thơm của chuối cùng mùi thơm của hương, của vỏ bưởi. Tôi vui với nải chuối con chẳng kém gì với chiếc bánh chưng con ngày tết. Đúng là vui như Tết!