- Tản Văn
Rắn đầu biếng học
Thứ năm - 30/05/2024 14:47
(Ảnh: Van Pham)
RẮN ĐẦU BIẾNG HỌC
(Lương Duyên Thắng)
Cuối năm 1970 khi ấy tôi 4 tuổi. Bố tôi sau một trận bệnh nặng(sau này khi học ngành Y tôi nghĩ đó là do viêm gan A, bố đi an dưỡng 2 tháng rồi nghỉ hưu sớm khi mới 57 tuổi. Tâm lý bi quan sau bệnh nên bố tôi thường nói, mong được thấy tôi tốt nghiệp cấp 3 nên dậy cho tôi học sớm. 4 tuổi đã biết được báo, 5 tuổi đã biết viết thông thạo. Bố thường kể cho tôi nghe về đạo làm người, kể về những danh nhân hay những giai thoại về lịch sử. Tôi luôn coi đó là vốn sống cho riêng mình và có nhiều chuyện tôi còn nhớ như in tới tận bây giờ. Hôm trước có nói về cụ Trạng Yên Đổ. Thật ra người đời còn gọi cụ là Tam nguyên Yên Đổ. Thời phong kiến Vua tổ chức ra 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Mục đích là chọn người tài để phong quan, giúp nước giúp vua. Cụ Nguyễn Khuyến sống ở làng Yên Đổ huyện Bình Lục Hà Nam. Trong kỳ thi Đình xếp hạng thì người đỗ cao nhất là Trạng nguyên người thứ hai là Bảng nhãn, người thứ ba là Thám hoa. Cụ Nguyễn Khuyến đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương thi Hội thi Đình lại sinh sống ở làng Yên Đổ nên người ta gọi là Cụ trạng Tam nguyên Yên Đổ (ba lần nhất ).
Tuy vậy cũng có những kỳ thi không có Trạng nguyên, và cũng có những người chưa là Trạng nguyên nhưng lại Uyên bác đến mức các Trạng nguyên cũng phải kính nể. Chẳng hạn như cụ Lê Quý Đôn chỉ đỗ Bảng Nhãn không đỗ Trạng nguyên bởi kỳ thi ấy không chọn được Khôi nguyên) Cụ Bảng, người đến tận bây giờ người Việt vẫn tôn là nhà Bác học và nhà vua cũng đã phải thốt lên rằng “ Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn” (nghĩa là cái gì mà thiên hạ không biết thì cứ hỏi cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn). Lại nói về cụ Bảng Đôn, nhà thờ cụ Bảng ở xã Độc Lập huyện Hưng Hà( ngày ấy thuộc trấn Sơn Nam cách nhà tôi khoảng 10km). Khi còn 4 đến 5 tuổi, bố tôi thường dậy cho tôi đọc viết dưới cái bàn nhỏ dưới vườn Cam trước nhà. Ngoài đọc và viết bố tôi còn kể cho tôi nghe những chuyện và những kiến thức đại loại như ở trên. Một trong những câu chuyện đó là chuyện về cụ Bảng Đôn khi còn nhỏ. Chuyện như sau:
Một lần người bạn của bố đến chơi, nhưng không biết nhà nên dừng kiệu hỏi thăm. Ai dè hỏi trúng cậu nhỏ chừng bảy hay tám tuổi đang tắm tồng ngồng ở đầu làng. Cậu ta dạng hai chân hai tay ra rồi nói vị quan khách nếu trả lời đúng sẽ chỉ đường cho:
- Chữ này là chữ gì ạ
Vị quan trả lời:
- Là chữ Đại chứ là chữ gì
- Không phải rồi. Đấy là chữ Thái mới đúng chứ.
Vị quan đỏ mặt lên kiệu đi vào trong làng và tiếp tục hỏi thăm vào nhà cụ Thứ.
Khi vào nhà nói chuyện cùng chủ nhà một lúc thì cậu bé Đôn về. Cụ Thứ bắt Cậu bé Đôn ra chào khách. Vị khách rất bất ngờ liền kể lại cho cụ Thứ nghe chuyện gặp cậu lúc trước và khen cậu thông minh nhưng rắn đầu rắn mặt nghịch ngợm quá. Cụ Thứ giận lắm bắt phạt cậu bé Đôn:
- Vì cái tội hỗn với quan lớn đây, rắn mày rắn mặt nên phạt làm một bài thơ tạ tội. Chi một lúc sau Cậu bé Đôn (là cụ bảng Đôn sau này) vừa quỳ vừa đọc:
Chẳng phải ‘liu điu’ vẫn giống nhà
‘Rắn’ đầu biếng học, lẽ không tha!
Thẹn đèn ‘hổ lửa’, đau lòng mẹ
Nay thét ‘mai gầm’, rát cổ cha
‘Ráo’ mép chỉ quen lời dối trá
‘Lằn’ lưng, cam chịu vọt năm ba
Từ nay Châu Lỗ chăm nghề học
Kẻo ‘hổ mang’ danh tiếng thế gia!
Vị khách nghe xong phục cậu bé sát đất liền nói với gia chủ tha cho.
Bài thơ được lưu truyền cho tới tận hôm nay.
Riêng tôi, mỗi lần về quê ngoài việc ra cầu Đoài thắp hương cho cụ Thượng Hưng nhà mình ở cầu thì tôi cũng tranh thủ lấy xe máy chạy lên nhà thờ cụ Bảng Đôn, nhà thờ cụ Thượng thư Lê Duy Thứ. Thắp cho các cụ một nén nhang tỏ lòng tri ân tới các bậc tiền nhân và cũng để nhớ về những bài học thời thơ ấu và người Bố kính yêu của mình.
—------
*Trong chữ Hán khi cậu bé Đôn có mặc quần áo mà dạng chân giang thẳng tay ra thì là chữ Đại. Nhưng vì cậu bé Đôn đang ở truồng nên phải là chữ Thái
* Vì cậu bé Đôn rắn đầu nên toàn bộ bài thơ có tới 7 câu có tên 1 loài rắn)