Nhẫn Nhịn là một loài hoa quý có sẵn trong vườn Nhà Phật. Hoa là hiện thân của một loại mỹ đức, có thể thành tựu nên những điều cực kỳ tốt đẹp trong cuộc đời của bất kỳ một sinh mạng nào. Bất cứ ai cũng có thể mang giống của loài hoa này về gieo trồng và thu hoạch những lợi ích vô cùng to lớn từ việc chăm sóc nó.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một loài hoa vô cùng quý hiếm ở chốn nhân gian vì số người thành công trong việc gieo trồng nó quả thật là quá ít so với số người còn lại chưa hiểu được, biết được công năng huyền diệu của loài hoa này. Việc chăm sóc loài hoa này ở các không gian đều có một yêu cầu rất đặc biệt: người trồng hoa phải biết nhẫn nhịn chịu đựng. Ai không biết cách chăm sóc thì hoa không thể nở được, và do vậy, người đó không thể thành công, không thể được hưởng những công năng huyền diệu mà loài hoa đó mang lại.
Liên quan đến việc chăm sóc loài hoa Nhẫn Nhịn, ở vùng Kinh Bắc cho đến ngày nay vẫn lan truyền câu chuyện ông Lang Nhẫn chăm hoa không thành. Câu chuyện như sau:
Ngày xưa, ở vùng Kinh Bắc có một người là Lang Nhẫn, từ nhỏ đã xuất gia tu hành ở một ngôi chùa hẻo lánh. Sau một thời gian dài tu luyện, một vị tu cùng chùa với ông Lang Nhẫn được Phật độ thành chính quả.
Lang Nhẫn thấy mình tu không kém gì bạn, cực khổ cũng nhiều mà không được hưởng may mắn như bạn thì rất buồn bực. Một hôm, Lang Nhẫn mơ thấy mình gặp Phật. Ông liền bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Đức Phật bảo ông: – “Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo, lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn chưa thuần, chưa thể đắc đạo được. Vậy hãy cố gắng tỏ rõ tấm lòng nhẫn nhục rồi sau sẽ được như bạn mình”.
Lang Nhẫn nghe lời bèn rời chùa, leo lên núi cao, chọn một gốc cây bắt chước người xưa ngồi xếp bằng tu theo lối trường định. Ông định rằng sẽ ngồi im lặng như thế trong ba năm, dù có phải thế nào cũng không chịu dậy.
Và từ hôm đó, Lang Nhẫn như một vật vô tri vô giác: những con sâu con kiến bò khắp mình ông; những con thú cà vào thân ông; chim chóc ỉa cả lên đầu ông…. Nhưng ông đều không hề bận tâm mà chỉ một mực tâm tâm niệm niệm nghĩa lý cao thâm của nhà Phật là nhẫn nhục chịu đựng để tiêu nghiệp, vun trồng mỹ đức.
Cứ như thế, ông đã ngồi bất động được hơn hai năm. Một hôm tự dưng có hai vợ chồng con chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trong vành tai của Lang Nhẫn. Ông cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chúng đi về tha rác lên đầu, lên mặt. Rồi chim mái đẻ trứng. Rồi cả một thời kỳ hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Cho đến lúc trứng nở, những con chim non kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Lang Nhẫn không lấy thế làm khó chịu.
Một hôm, lúc ấy chỉ còn mười ngày nữa thì Lang Nhẫn hết hạn ngồi dưới gốc cây. Hôm đó, đến lượt con chim vợ thay chồng đi tìm mồi cho con. Cực thay, chim không kiếm được mồi. Nó kiếm mãi, kiếm mãi, rồi cũng nản. Khi chiều tà xuống, chim đành trở về nhà tay không.
Nhưng cuộc sống không đơn giản như thế. Trên đường về, chim vợ bay qua một đầm sen. Nhác thấy những chú nhện chiều đang giăng tơ trên những đóa sen, chim vợ liền sà xuống, chui vào hoa sen để bắt nhện. Vì muốn cho con được ăn no, nên nó mải mê bắt hết con nhện này sang con nhện khác. Mải mê quá, nó không biết rằng cánh hoa sen đến tối trời là cụp lại, và nó bị mắc lại trong một đóa sen. Chim vợ cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá đành chịu nằm lại đó.
Chim chồng ở nhà chờ mãi, ngóng mãi không thấy chim vợ về. Từ hy vọng chuyển thành tuyệt vọng, rồi ác ý nảy ra trong đầu: nó nghĩ chim vợ đã đi tìm cuộc sống mới. Rồi nó bắt đầu kêu ca, oán trách, dằn vặt, tiếng hót của nó cũng trở nên khác lạ. Nó hết bay đi rồi bay lại kiếm vợ, còn đàn con đói mồi thì nhao nhác suốt đêm.
Mãi đến sáng hôm sau, chờ lúc hoa sen nở, chim vợ mới thoát được bay về tổ. Một cuộc cãi lộn nổ ra bên tai Lang Nhẫn. Vì ghen mà chim chồng mắng nhiếc chim vợ hết lời. Còn chim vợ thì ra sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả buổi sáng và có cơ không thể chấm dứt làm Lang Nhẫn rất khó chịu, thêm vào đó, đàn chim con khóc đói chíu chít điếc cả tai. Nhè lúc vợ chồng chim cãi vã đến hồi gay cấn nhất, Lang Nhẫn bỏ tay lên tai giật cái tổ chim vứt mạnh xuống đất và nói:
– “Đồ khốn! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng đến giờ”.
Ngay sau khi tổ chim bị vứt xuống đất, Lang Nhẫn nhìn thấy Phật Bà Quán Âm hiện lên, lắc đầu nói: Tu mà không nhẫn nhịn được như con thì làm sao mà gọi là thực tu được, làm sao mà đắc chính quả được. Phật Bà Quán Âm vừa dứt lời, Lang Nhẫn hóa thành một con chim bay đi. Loài chim này người đời sau quen gọi là chim tu hú. Người ta bảo thứ chim tu hú hay xuất hiện vào khoảng cuối hè sang thu, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện Lang Nhẫn vứt tổ chim và gặp Phật Bà.
Thế là bao công sức tu luyện của Lang Nhẫn trong gần ba năm đột nhiên vứt bỏ trong chốc lát. Thế mới biết, tu chữ Nhẫn, chăm sóc để cây Nhẫn ra hoa ở chốn hồng trần này chẳng hề dễ dàng. Chỉ có những người coi chuyện đời nhẹ như lông hồng, danh chẳng đoái, lợi chẳng màng, những việc lớn nhỏ ở đời thường chẳng để tâm tới thì mới có thể nhẫn được, tu thành chính quả được. Chỉ có những người nhẫn nhịn được thì mới biết cách chăm sóc để cây quý nở hoa.
Về câu chuyện của vợ chồng con chim chích hay chuyện ông Lang Nhẫn tu không thành, sau này, trong dân gian đã lan truyền bài ca dao, trong đó có đoạn:
Ông Lang Nhẫn ngồi tu trên đỉnh núi,
Thấm thoắt thoi đưa đã gần được ba niên
Thấy hai vợ chồng con chim chích,
Đã đến ngày con đủ cánh mọc lông,
Vợ để con cho chồng, bay đi kiếm chác;
Lạ thung thổ, mồi thời không được,
Bước chân ra về thấy nhện chăng tơ.
Mảng vui chơi bắt nhện nào ngờ,
Khi âm tối, hoa sen cụp lại.
Chồng thì mong, con thì bỏ đói,
Hết dỗ đứng dỗ ngồi, ra ngõ liền trông.
– Kìa kìa gái năm con chửa hết lòng chồng,
Còn say đắm về bên hoa nguyệt.
– Tôi thề có trời xanh nước biếc,
Núi non thề với nước non,
Nào ai phụ rẫy chồng con, đã trời?
…..
Ở vùng Kinh Bắc, bài hát về ông Lang Nhẫn rất quen thuộc và được khẩu truyền qua nhiều đời. Người Kinh Bắc thường hát bài này tại các cuộc gặp gỡ, lễ hội, tiệc tùng, với mong muốn nhắc nhau nhớ về một kỷ niệm buồn của người tiền sử, một người vì thiếu nhẫn nhịn, không biết cách chăm hoa Nhẫn Nhịn mà bỏ lỡ cơ duyên với Nhà Phật; với mong muốn bằng lời ca tiếng hát của mình mà tiếp tục truyền đời gieo khắp nhân gian một loài hoa quý luôn có sẵn từ cõi Thượng Thiên nhưng rất hiếm ở nơi chốn người thường….
Mời các bạn xem video về bài hát Ông Lang Nhẫn: