• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Nhớ nhà văn Lê Bính

Thứ sáu - 13/12/2019 00:37

Với những nghệ sĩ nhí chúng tôi trong nhóm “Búp trên cành” năm xưa, nhà văn Lê Bính thật gần gũi, thân thương như một người cha. Dù đã xa cách mấy chục năm nhưng khi gặp lại nhau, nói đến chú Bính là đứa nào cũng hân hoan nhắc lại những kỷ niệm thật đẹp, thật vui về ông.

Hồi ấy, khi nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chuyển vào miền Nam công tác, thì nhà văn Lê Bính được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình phân công phụ trách nhóm các em có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật, cùng với nhà thơ Kim Chuông.

Nhà văn Lê Bính rất vui tính. Chú ở tập thể còn chúng tôi ở nội trú nên chú cháu rất thân thiết. Trong lớp, còn có Lê Quang Đôn là em trai út của chú. Ngoài giờ học, chú bày nhiều trò chơi cho chúng tôi đỡ nhớ nhà. Chú hay kể chuyện và đánh đàn cho chúng tôi nghe, chú kéo nhị cũng rất hay. Ngày trước chú là cán bộ địa chất. Trong một lần đến thăm đoàn, thấy chú Bính biết làm thơ và có nhiều bài hay, nhà thơ Xuân Diệu đã đưa ông về làm công tác văn nghệ. Gia đình chú, hầu như ai cũng học rất giỏi, làm thơ rất hay. Nhưng chú bảo: “Chú thích được gọi là nhà văn.” Thời kỳ đầu, sau giải phóng, đất nước còn bao khó khăn, thiếu thốn nhưng các bác Lê Duy Lễ, Bút Ngữ, Nguyễn Văn, Kim Chuông, Lê Bính, Nguyễn Khoa Đăng,... cùng các nghệ sĩ khác ở Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình vẫn dành cho chúng tôi sự ưu tiên đặc biệt từ chế độ ăn uống đến sinh hoạt hằng ngày. Chúng tôi được dạy viết văn, làm thơ, học nhạc, học vẽ, đứa nào có năng khiếu gì, đều được các nghệ sĩ tận tình dạy dỗ, chắp cánh ước mơ. Mỗi tác phẩm của chúng tôi ngày ấy, đều được các bác, các chú nâng niu, được đăng trên các báo, đọc trên các đài phát thanh. Nhà thơ Kim Chuông, nhà văn Lê Bính luôn gắn bó với chúng tôi vì hai chú là hai thầy chủ nhiệm. Mỗi khi đi thực tế để sáng tác, chú Lê Bính hay dùng xe đạp chở tôi với Đỗ Mai Hương đi lấy tư liệu dù trời nắng chang chang. Hồi ấy, trong nhóm học, tôi và Mai Hương chuyên về văn xuôi. Các bạn khác, đa số làm thơ. Những bài bút kí như: Làng cửa biển, Đêm trăng ở làng, chú Hoa,...của tôi được giới thiệu trên các báo hồi đó có một phần lớn công lao của nhà văn Lê Bính.

Ngày ấy tôi nhút nhát, vụng về và chậm chạp, tôi ít nói và hay tự ti. Chú Bính hay khuyến khích tôi phải mạnh dạn lên, hòa đồng cùng với các bạn. Còn nhớ một hôm, chúng tôi được Ủy ban tỉnh chiêu đãi cơm, lúc về, chú Bính hái được một chùm hoa ngọc lan rất thơm. Những cánh hoa thon dài, trắng ngà tuyệt đẹp. Các bạn tôi tranh nhau đòi xin. Riêng tôi chỉ đứng từ xa nhìn mà không dám xin. Chú bảo:

- Bây giờ, chú sẽ cho đứa nào hiền nhất.

Rồi đưa cho tôi cành ngọc lan trước con mắt ngạc nhiên của chúng bạn. Chúng nó lại nhao nhao:

- Cháu hiền! Cháu hiền! Chú ơi cháu mới hiền mà!

Chú Bính cười xua tay. Còn tôi, tôi sung sướng ngắm những bông hoa lan xinh đẹp, và thầm cảm ơn chú rất nhiều.

Năm 1979, tôi phải xa các bác, các chú và các bạn, xa khoảng thời gian kỳ diệu tuổi thơ, để theo cha mẹ vào miền Nam lập nghiệp. Các chú, các bạn viết lưu bút cho tôi với bao tình cảm thân thương. Chú Lê Bính viết cho tôi rằng:

“Biển - cái gì trong xanh

Biển - cái gì dữ dội

Biển - cái gì dịu êm

Biển - cái gì sóng gió

Quý và cảm ơn một cây bút xông xáo, nhanh khỏe, chân thật. Chú rất ghét hoa phong lan. Chú quý những cây thông sừng sững. Cháu đã để lại cho chú ấn tượng đẹp về một cô bé khiêm nhường, biết vượt lên hoàn cảnh khó khăn để học tập và thành công. Nhớ phát huy mãi những điều này cháu nhé. Nhớ và thương cháu. Chú Lê Bính.”

Tôi đã khóc vì xúc động khi đọc những dòng lưu bút ấy. Sau này, trên chặng đường học tập đầy gian khó ở phương Nam, những dòng lưu bút ấy vẫn là lời cổ vũ, động viên tôi không chùn bước.

Tôi nhớ như in ngày 08/08/2015, các bạn trong nhóm Búp trên cành năm nào đã tìm lại được nhau sau gần 40 năm xa cách, mỗi đứa mỗi phương trời. Các bạn cùng chú Kim Chuông về thăm chú Lê Bính. Khi chú đang bị bệnh hiểm nghèo, các bạn chụp ảnh đăng lên facebook, tôi lại được nhìn thấy chú ngồi giữa các bạn tôi. Chú kéo đàn say sưa cho các bạn nghe như hồi ở lớp. Nhìn chú gầy, tóc đã rụng nhiều nhưng vẫn là chú Lê Bính ngày nào: hiền hậu, dí dỏm.

Tôi tìm cách nhờ các bạn: Thanh Bình, Hồng Oanh mang ít quà quê biếu chú và một lá thư để báo cáo với chú rằng dù khó khăn, ở phương Nam tôi vẫn nhớ lời chú dặn. Chú cháu tôi nói chuyện qua điện thoại đầy xúc động. Chú gửi tặng gia đình và trường tôi cuốn sách các bài thuốc đông y được chú viết bằng thơ vô cùng ngắn gọn, dễ thuộc. Cuốn Đông Y truyền khẩu, được bộ Y tế cấp phép lưu hành. Chú gửi cho tôi tập thơ “Miền gió thức” của chú, vừa xuất bản. Tôi đã đưa cho đồng nghiệp và những học trò giỏi của mình đọc những cuốn sách này. Tôi chụp ảnh khi họ đọc và gửi cả bài họ cảm nhận về tác phẩm của chú ra tặng để động viên ông, mong nhà văn phấn chấn để vượt qua bệnh tật. Các bạn nhóm Búp của tôi cũng thay phiên nhau đến động viên chú. Gặp lại các cháu, những đứa trò nhỏ năm xưa, chú rất vui mừng. Chú điện thoại khoe với tôi về sức khỏe đã được cải thiện và bảo:

- Đợt này khỏi bệnh, chú sẽ in sách gửi tặng cho các học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Chú sẽ tặng cho trường cháu!

Tôi nói với ông rằng chúng cháu sẽ rất vui mừng đón nhận.

Tôi nhớ mãi đúng 14 giờ 27 phút ngày 20/11/2015, chú điện cho tôi. Tôi vừa cầm máy chưa kịp nói gì, chú đã bảo:

- Cháu đừng nói gì. Để yên chú nói, không thì tí nữa mệt chú không nói được. Chú dặn cháu mấy điều: Thứ nhất, cháu và các bạn không bao giờ được quên ơn các bác, các chú, đặc biệt là chú Kim Chuông. Thứ hai, cháu nhất định phải quay lại sáng tác, đừng để khả năng bị phí hoài như những năm qua. Thứ ba, cháu phải giữ nguyên cách viết vốn có của mình đó là giản dị, giầu cảm xúc, chân thật, không được bắt chước, vay mượn,...

Rồi chú khoe: Hôm nay chú đi được 37 bước rồi, chắc ít bữa nữa chú khỏe lại!

Tôi không ngờ, đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của chú cháu tôi. Vì chỉ vài ngày sau, các bạn tôi ở Thái Bình: Bùi Lan Anh, Nguyễn Nga, Phạm Hồng Oanh điện thoại thông báo rằng: chú Bính đang nguy kịch. Tôi lặng người khi nhận hung tin. Đúng sáng ngày 09/01/2016 âm lịch, nhà thơ Kim Chuông điện vào báo tin: nhà thơ Lê Bính đã ra đi lúc 5 giờ sáng. Tôi đứng lặng ngoài hành lang lớp học, mặc cho nước mắt tuôn rơi.

Nghe lời chú, lại được sự động viên giúp đỡ của nhà thơ Kim Chuông cùng các bạn nhóm Búp trên cành, tôi gắng thu xếp công việc dạy dỗ để dành thời gian sáng tác trở lại sau gần 15 năm nguội lạnh. Tháng 11/2015 cuốn thơ “Ý nghĩa ban mai” của tôi, nhờ sự giúp đỡ của nhà thơ Kim Chuông đã chính thức ra đời và được nhận giải thưởng của Ủy Ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ngày 17/01/2017, chùm truyện ký, trong đó có bài “Lời thầy” của tôi được trao Giải Nhất trong tổng số 15.271 bài dự thi của tác giả dự thi trên phạm vi toàn quốc. (Cuộc thi do Trung ương Đoàn phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức.) Vinh dự này đối với một người cầm bút không chuyên như tôi thật thiêng liêng.

Tôi nghĩ, nếu không có lời dặn dò, nhắc nhở của nhà văn Lê Bính, sự tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ lớn lao của nhà thơ Kim Chuông thì tôi đã không có niềm vui như đang cầm nắm trong tay. Tôi biết ơn các văn nghệ sĩ Thái Bình, trong đó có Nhà văn Lê Bính, một người chú, người thầy thật tận tụy của tôi!

Bùi Thị Biên Linh

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.