- Trang văn
Lãng đãng tuổi thơ... và chiếc quần vá đụp
Chủ nhật - 11/05/2025 16:42
(Ảnh: Pixabay)
LÃNG ĐÃNG TUỔI THƠ
… & CHIẾC QUẦN VÁ ĐỤP
(Tác giả: Thanh Bình)
Hồi Vỡ lòng (chắc giống như mẫu giáo 5 tuổi, tiền tiểu học bây giờ), NÓ chả nhớ đã được học chữ như thế nào, cũng không nhớ được học số ra sao, nhưng nhớ mãi, NÓ được làm lớp phó quản ca, nhớ mỗi ngày, hai lần được lên bắt nhịp cho cả lớp hát: lúc đầu giờ và lúc vào học sau giải lao. Lời bắt nhịp không biết cô giáo dạy mấy lần, nhưng thuộc đến tận bây giờ, tính ra vừa đủ 55 năm:
- Các bạn ơi! Hát bài chăng?
- Đồng ý!
- “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” – hai ba!
Rồi cả lớp hát đồng thanh theo nó.
Tất nhiên không phải lúc nào cũng hát bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” nhưng ngay lúc này, đó là bài hát đầu tiên nó nhớ được.
Năm lớp Một, nhớ cô Lan Tóc Dài rất xinh, đôi mắt to & hiền, hiền thật đấy, nên, ngay cả sau vụ cái thước vút một cái từ trên bục giảng xuống, lao thẳng vào mắt bạn NÓ, thì bao nhiêu năm nay, ký ức về cô vẫn là sự xinh đẹp ấy với giọng đọc bài rất ngọt ngào ấm áp.
Năm lớp Hai, chả có ấn tượng gì. Hình như vẫn học cô Lan Tóc Dài thì phải.
Năm lớp Ba, thì NÓ vẫn nhớ như in tên & dáng vẻ bình dị đến khắc khổ của Thầy Hữu. Trong ký ức còn lại, NÓ vẫn nhớ dáng thầy mảnh, áo thẫm màu, nụ cười luôn nở nhưng lại chả thấy tươi gì cả. Cũng là năm đầu tiên lớp NÓ được chia hai lớp Văn và Toán. Nó nhớ, hôm ấy, như mọi ngày, chúng nó xếp hàng vào lớp. Bình thường, là 1 hàng nam, 1 hàng nữ, hàng nào thẳng và trật tự được vào lớp trước (dù chỉ cần được vào là lập tức lại náo loạn). Nhưng hôm đó thầy bảo:
- Các em, xếp hàng, 1 hàng thôi, không phân biệt nam, nữ.
Thế là chúng nó sáp nhập hai hàng thành một, cứ thế tự vào hàng với nhau. Rồi thầy bảo:
- Cả lớp đếm 1-2; 1-2 từ đầu hàng! Và nhớ số của mình nhé.
- Vâng ạ!
Chúng nó “Vâng” như cái máy, vang và đều. Thầy vừa nghe đếm, vừa nhanh tay nhặt, nhấc mấy đứa, đổi chỗ cho nhau. Nó đứng tụt giữa hàng, kiểu của nó vẫn thế, cứ thấy bạn nào chèn ngang lại lùi xuống. Thầy nhấc nó lên, rất tự nhiên, đặt nó ở vị trí thứ 2 sau lớp trưởng. Hai tay thầy đặt lên vai hai đứa như kiểu giữ cho không chạy.
- Nghiêm! Nhìn trước thẳng!
- Các bạn số 1 đứng yên, các bạn số 2 bước sang phải một bước! lẻ một hàng, chẵn một hàng. Nào! Nào!
Chúng nó làm theo mệnh lênh của thầy, chẳng lạ lùng, cũng không ngơ ngác. Thầy hô thì làm thôi. Sau khi đã thành hai hàng, hàng thứ nhất các bạn số 1; hàng thứ hai các bạn số 2, thầy lại xuống ngắm nghía rồi đổi chỗ thêm một hai bạn nữa. rồi thầy bảo:
- Từ nay chúng ta chia hai lớp. Các bạn số 1 học năng khiếu Toán. Các bạn số 2 học năng khiếu Văn. Đến giờ Toán và Tiếng Việt chia đôi, những bài học khác vẫn học chung. Cả lớp nhớ chưa?
- Rồi ạ!
Nghe xong, nó tót ngay sang hàng số 1, NÓ thích học Toán, nhưng lại bị thầy tóm về hàng số 2. Và thế là, từ đó, nó trở thành học sinh năng khiếu Văn. Nhưng nó thích học Toán nên nhiều buổi vẫn trốn sang lớp Toán, thầy thường phải tìm nó về… cho đến tận lớp 10 (tức 12 bây giờ) vẫn thế. Sau này, có giấy vào thẳng ĐHSP 1 Hà Nội vì đoạt giải Văn quốc gia nhưng nó vẫn ôn thi đại học khối A, nó thích học ĐH Thương Mại… Những lớp chọn học sinh năng khiếu đầu tiên ở trường Tiểu học thị xã được hình thành như thế.
Năm lớp Bốn, lớp nó vẫn tiếp tục theo mô hình như lớp Ba, được một học kì thì tách hẳn. Nó học Văn thầy Xuyền, nhưng vẫn loi choi sang lớp Toán của thầy Luyến.
NÓ thích thầy giáo Toán. Chữ thầy nghiêng nghiêng, đều đặn, nét thanh nét đậm như chữ in trong cuốn truyện Tấm Cám ngày ấy. NÓ ngưỡng mộ thầy nên âm thầm học viết theo nét chữ của thầy. Nên chữ NÓ dần thành chữ nghiêng, đến tận bây giờ.
NÓ cũng rất quý thầy Xuyền. Thầy dịu dàng, ân cần, đọc truyện rất hay. Ngày học đội tuyển với thầy, chúng nó được thầy đọc cho nghe rất nhiều cuốn sách hay. Nó nhớ mãi các tiết đọc truyện “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, đứa nào cũng nước mắt đầm đìa, thương lũ chó con, thương cái Tý, thương chị Dậu. Cứ thương thôi, ngày ấy không hiểu gì về hiện thực phê phán hay vấn đề địa chủ với nông dân gì cả. Chỉ thấy khổ là thương. Rồi cứ thích đọc chương này lại chương khác, truyện này lại truyện khác. Thầy dạy nhiều, chắc thế, nhưng cái NÓ nhớ đến tận bây giờ là giọng đọc truyền cảm của thầy, là cách thầy trò truyện ân cần, ấm áp.
NÓ nhớ, hôm ấy, là buổi chiều, nó đến lớp sớm. Thầy đã ngồi trên bàn giáo viên. Trên bảng hàng chữ: thứ, ngày, tháng, năm và tên bài tập đọc đã được thầy ghi sẵn, rất đẹp. NÓ ngồi đầu bàn thứ hai, dãy giữa. Thầy vẫy nó lên, nhìn NÓ từ đầu tới chân, rồi bảo:
- Đi!
NÓ vô tư theo thầy. Thầy lấy xe đạp, chở nó về nhà. Nhà NÓ ở trung tâm thị xã, qua trục chính đường Lê Lợi, cách trường vài trăm mét. Đến cổng, nhìn dây xích sắt quấn mấy vòng và có một cái khóa to, thầy bảo:
- Mẹ để chìa khóa ở đâu? Em vào thay cái quần đẹp hơn nhé, chọn cái ít miếng vá ấy, thầy đợi. Chiều nay có các thầy cô dự giờ.
NÓ kiễng chân, hé cánh cửa sổ, nhòm vào trong. Giữa nhà, trong cái cũi tre (loại cũi rất phổ biến các nhà trẻ ngày ấy), hai đứa em nó, 1 trai, 1 gái, tầm 2-3 tuổi, ở truồng, tự chơi với nhau, nhem nhuốc. Mẹ NÓ làm gần, giải lao thường tranh thủ tạt về nhà, ngó con an toàn, lại đi. Chỉ khi mẹ tan làm, các anh chị tan học, hai em mới được ra khỏi cái cũi đó, tắm rửa, mặc đủ áo với quần.
Cổng nhà nó không khóa. Mẹ thường chỉ quấn như thế để tan học NÓ và hai em tiểu học về, có thể vào nhà. Nhưng, nó xấu hổ. NÓ không muốn thầy nhìn thấy cái cũi và hai đứa em ở truồng. NÓ không muốn thầy vào nhà. Và, có lẽ NÓ cũng chẳng có cái quần nào lành lặn hơn.
- Nhanh lên em!
- Thầy ơi! Em không có chìa khóa ạ.
Thầy giáo nhìn nó, tần ngần, rồi quay xe, bảo NÓ ngồi lên, về lại trường.
Giờ học hôm ấy rất đông các thầy cô dự giờ. NÓ được thầy gọi đọc mẫu. Theo thói quen, NÓ nhanh nhảu cầm cuốn Tập đọc và đi lên bảng. Được một bước, thầy bảo:
- Em cứ đứng tại chỗ, không cần lên bảng!
Tiết học trôi đi như nhiều tiết học khác. NÓ rất tự hào vì được đọc mẫu. Hết giờ, nhiều cô giáo còn xoa đầu NÓ khen: Xinh quá! Em đọc hay lắm.
Thầy chưa bao giờ giải thích hay nói gì thêm về chuyện hôm đó, nhưng nó dần hiểu chuyện. NÓ biết ơn thầy chở nó về với mong muốn kiếm một cái quần khác để NÓ được gọn gàng hơn, đẹp hơn khi đứng lên bục giảng trước các thầy cô. NÓ cũng biết ơn thầy vì vẫn cho nó đọc mẫu như tất cả các giờ Tập đọc khác, không vì chiếc quần vá đụp của nó mà thay đổi. Mỗi năm lớn lên rồi trở thành cô giáo, càng hiểu nó càng yêu quý và biết ơn thầy nhiều hơn. Thầy trò nó, sau này không ở cùng thị xã nhưng vẫn thân và quý nhau đến tận khi thầy mất.
Chiếc quần vá đụp vì thế, theo NÓ trở thành kỉ niệm đẹp. NÓ lớn lên cùng cái quần vá đụp & cái nghèo nhiều năm sau nữa, bây giờ cũng chưa giàu, nhưng chưa bao giờ phải xấu hổ vì nghèo.