- Trang văn
Anh cả
Thứ ba - 13/05/2025 10:36
(Ảnh: Tam Tran)
ANH CẢ
(Thanh Bình)
Anh cả sinh 1957. Trên anh có một chị gái, nhưng ở quê, anh vẫn luôn là anh cả. Kỉ niệm về Anh, với nó luôn rất ấn tượng.
Ngày bé, Anh là chỗ dựa, là bầu trời của nó. Đói: Gọi Anh. Mệt: Gọi Anh. Sợ: Gọi Anh. Bị bắt nạt: Gọi Anh.
Đói: gọi anh, sẽ có ngay mấy quả bàng xanh, bàng chín, tùy mùa, tự anh leo cây hái xuống. Những buổi trưa nắng, nó và anh liền kề, đen nhẻm, theo anh cả và mấy đứa trai hàng xóm sang sân Tỉnh hội Phụ nữ hái bàng. Anh cả thường mặc áo may ô với quần đùi. Cái áo may ô màu cháo lòng được sơ vin lại, vặt được quả bàng nào đút vào lối ngực, rủng rỉnh đầy bụng quả mới chịu về. Anh cả trèo cây, vặt quả nhanh và khéo léo như con khỉ. Anh hai đứng gốc canh, thấy các cô chú ra, dù chưa đuổi đã hét vang và chạy đánh lạc hướng để anh cả tụt xuống và lách, chuồn qua hàng rào phía sau. Rồi mấy anh em tụ về cổng nhà, chia nhau gặm bàng. Hết phần thịt, anh cả lại lấy gạch đập dập hạt, lấy nhân. Nhân bàng thơm thơm, ngầy ngậy, rất thích.
Mệt: gọi anh. Có những buổi tha nhau đi chơi. Cũng chả phải là đi đâu ra tấm ra món, chỉ là cứ quanh quanh ngõ xóm, xa nhất là lên rạp thống nhất, vườn hoa hay sân vận động, cách nhà vài trăm mét. Lòng vòng, mỏi chân, ăn vạ là được anh cõng. Chính vì vậy hai anh nó thường rình lúc nó ngủ trưa thì trốn đi, nên nói chung cũng không được anh cõng nhiều lắm.
Sợ: gọi anh. Nó thì căn bản chả phải sợ gì, vì nó ngoan, học giỏi, được Ba Mẹ chiều. Ăn cơm thường được ngồi cạnh mẹ, lớn lên uống trà ngồi với Ba, nhà có khách, có món ngon auto nó được ngồi mâm khách. Nhưng cũng có lúc sợ. Đó là khi Ba giận ai đó, giận gì đó. Những lúc đó nó thường ngồi sâu phía trong nhà, góc khuất, bí thì nép sau anh. Hai anh nó luôn là người chịu trận.
Bị bắt nạt: gọi anh. Rất ít thôi. Nó hầu như chẳng bị ai mắng, chửi bao giờ. Ngày bé, nó không biết cãi nhau, chẳng biết nói lý, hay nhường nhịn nên thường bị bắt nạt. Nó nhớ như in những lần xếp hàng lấy nước từ vòi công cộng ngoài ngõ. Cả phố đem xô, thùng, chậu lớn, chậu nhỏ ra xếp hàng. Một hàng xô thùng kèm một hàng người song song, thùng tiến đến đâu, người theo lên đến đó. Mọi người, ai nấy đều săm sắn, dù chẳng ai tranh giành, nhưng nét mặt ai cũng căng thẳng, chỉ sợ chưa đến lượt thì mất nước. Vì mất nước vẫn phải xếp xô thùng đợi nước và người thì dạt về bên hè trông coi xô thùng, khổ lắm. Cạnh vòi nước công cộng có một nhà hàng xóm, sân rộng. Nhà có tận 5 cô con gái, làm nghề nón, nổi tiếng lanh lợi, ghê gớm. Ông bố đi xe thồ, cũng là người cực kì nóng nảy. Trộm vía được bà mẹ hiền hiền nhưng chả bao giờ thấy ló mặt ra ngoài. Mấy cô con gái cậy gần nhà, thường không xếp hàng, mà cứ chiều chiều, nhằm lúc mọi nhà đều khẩn lấy nước về nấu ăn, là lại bê gạo ra vo, bê rau ra rửa, bê quần áo ra giặt, chậu lớn, chậu bé, mỗi cô một việc. Mọi người đang xếp hàng thứ tự, nền nếp, mấy chị em lại tự tiện, tự nhiên thò cái chậu vào, miệng nói, tay dành chỗ: “Cho xin chậu”. Ai nấy đều khó chịu nhưng ngại va chạm nên nhịn cho qua. Mỗi người lấy xong họ lại chen ngang: “Cho xin chậu”. Thấy nó lành, thì hay bắt nạt nó. Nhiều khi nó vừa lấy được nửa thùng, lại dịch thùng nó ra xía chậu vào, có khi còn đổ cả nước trong thùng nó: “Xin tí nhé”. Vòi nước công cộng rất đông người, lại chảy ri rỉ rất chậm. Đến lượt đợi đầy còn sốt ruột, đằng này nó còn bị chèn ngang và cướp trắng tay như thế. Có lần nó ức quá, gọi anh. Anh nó cao to, hai tay hai thùng, hắng giọng: “Cấm ai chen ngang, tôi đang bận” thế là im re. Nhưng chỉ được vài năm khi còn tiểu học. Lúc nó lên cấp 2 thì anh đã đi làm xa, tận Điện Biên, Lai Châu, chẳng còn ai bênh nó nữa. Khi lớn hơn, nó khâu nón rất nhanh và đẹp, nên lại làm cùng với mấy chị em nhà ấy nên không bị bắt nạt nữa.
Anh cả quý và chiều nó nhất nhà. Ngày 30.4.1975, khi cả thị xã rầm rập kéo nhau đi xem sa bàn tường thuật chiến thắng, đi xem ca nhạc ở sân vận động, anh cũng dắt nó theo. Đêm ấy, người đông nén chặt, sập khán đài A, mãi khuya anh em nó mới theo dòng người đu đẩy ra được bên ngoài. Nó nhớ, Ba Mẹ và chị gái đi tìm nó, sợ mất nó, sợ lạc nó, sợ nó chết. Khi vừa thấy anh dắt nó về, Ba tát anh cái trời giáng, còn mẹ nó lã chã khóc. Bị đánh đau nhưng anh nó chưa bao giờ ghét nó, chưa bao giờ ghen tỵ với nó.
Anh đi làm xa, nó không hiểu, chỉ tự nhiên thấy không có anh. Rất lâu, rất lâu, cho đến một ngày Chủ nhật, một Chủ nhật rất lạ. Mẹ nó dậy sớm dọn nhà, Ba nó vốn chỉ hay ngồi lặng uống trà, ngắm mấy cây húng quế tán tròn, cây đinh lăng lá nhỏ hay cây hồng gai ngoài bồn hoa, hôm ấy cứ chốc chốc lại đi ra, đi vào, có lúc còn ra tận ngõ. Quá trưa thì anh cả về. Anh vào nhà. Một chàng thanh niên cao lớn, vai rộng, lưng bè, da đỏ, râu rậm, tóc dài, cất giọng:
- Con chào Ba! Chào Mẹ!
Giọng anh nó nghèn nghẹn, môi bần bật, mắt loáng ướt.
Mẹ nó chạy lại, nắn nắn cánh tay anh nó, nước mắt lưng tròng.
Ba nó, vẻ lạnh lùng:
- Sao đầu tóc, râu ria như thổ phỉ thế? Cắt đi rồi hãy về nhà!
- Con lái xe đường dài, không như vậy dễ bị bắt nạt lắm!
- Về nhà là phải gọn. Uống nước, rồi đi cắt tóc, cạo râu. Ra cửa hàng ngoài phố lê Lợi ấy, xa xa ra, đừng có cắt gần nhà.
- Vâng.
Anh đón chén nước trà từ tay Ba nó, uống gọn một ngụm rồi đứng lên:
- Để con vác gỗ vào nhà đã! Ngõ đang vắng!
- Ừm!
Một loáng, nó đã thấy anh cõng một tấm gỗ lim vào nhà. Tấm gỗ dày đến 15-20cm, phủ kín lưng anh nó. Anh ốp lưng, tựa tấm gỗ vào tường, rồi xoay người, lựa lựa đặt nằm xuống. Ba nó luồn cục gỗ tròn, dài vào đỡ, rồi cùng anh đẩy rất sâu, rất sâu vào gầm giường.
Rồi quay trở ra vác một bao lớn vào, đặt ngay giữa nhà:
- Mắc - cọp đấy. Giòn ngọt lắm. Con mua tại rừng nhà người H’Mông.
Cho đến bây giờ nó vẫn không thể hiểu vì sao anh nó có sức khỏe phi thường như thế.
Rồi anh quay ra đưa cho nó một chiếc đồng hồ đeo tay, dây da. Bây giờ nó không nhớ rõ, chỉ còn lại cảm giác về một món quà vô cùng quý giá nó được nhận từ anh. Duy nhất chỉ nó có quà riêng. Sau này, hình như không có thêm lần nào ấn tượng như thế.
Những chuyến đi về của anh dày hơn, dăm tháng, một năm một lần. Nó nghe và loáng thoáng nhớ anh nó chở cánh kiến về, buôn bán với một nhà giàu ngoài mặt đường Lê Lợi. Những lần về sau, nó để ý bao giờ anh cũng cắt tóc, cạo râu gọn ghẽ trước khi về nhà.
Rồi anh cả lấy vợ. Ba Mẹ nó sắm sửa đi Lai Châu cưới vợ cho anh. Mẹ chuẩn bị gạo, mì sợi, ít cà chua, và đưa cho chị cả 5 ngàn đồng để mua thức ăn. Nó thấy Ba Mẹ ăn mặc gọn gàng, ngoài quần áo dự phòng, tay nải có dăm hộp kẹo bánh Hải Hà.Thời bao cấp mua được mấy hộp bánh kẹo ấy, nghe nói phải có đơn xin mua và được phê duyệt, chứ không như bây giờ “ra siêu thị ta có”. Sáng đầu tiên Ba Mẹ xa nhà, chị cả nó mời về nhà một đám bạn đến nhà. Chị nó làm một nồi mì sợi nấu cà chua và rau muống. Nồi to vật vã. Chị nó bê lên nóc bể nước mưa mái bằng xi măng cứng, cả chục đứa bạn học, cùng với chị em nó, mười mấy cái đầu, xì xụp một bữa no nê. Nó không bao giờ quên bữa no hôm ấy: không gian, địa điểm, thời gian và cảm giác sung sướng còn mãi đến sau này. Nó cũng nhớ nó vì ngây thơ khoe với Ba Mẹ, nên chị nó bị ăn trận đòn nhừ tử vì tiền rau cả tuần, lượng mì cả tháng của gia đình, chị nó mời bạn bè gọn gàng trong một bữa. Nó cũng nhớ đêm đầu tiên Ba Mẹ đi vắng, con em út nhớ Mẹ khóc không dứt, cho đến khi chị nó nhớ ra, vo vo cái áo cũ của mẹ đưa cho nó ôm ôm ngửi ngửi, nó mới chịu ngủ.
Lấy vợ rồi anh nó ít về hơn. Nó nhớ ngày mới cưới, anh dắt chị về thăm nhà. Chị cao lêu nghêu. Anh chị dắt nhau đi ngoài phố ai cũng phải ngước nhìn. Có anh con trai xóm nhìn chị, không biết vì chị cao hay vì chị xinh, mà anh cả lại gần bảo: “Mày nhìn gì” làm anh ta sợ chết khiếp. Hồi bé, nó hay nghĩ là anh ác, anh ghê gớm, sau lớn lên, nó dần hiểu đó là cách anh trêu chọc mọi người, ra vẻ ghen, ra vẻ coi chị và giả vờ gây sự… Có lần nó ngồi ghế phụ xe anh, hai anh em đi Nam Định. Trên đường có 3- 4 xe thồ gạch đỗ dọc đường, chiếm đến 1/3 mặt đường. Anh bảo nó:
- Ngồi im nhé, xem này!
Rồi anh đánh xe lượn sát mép chiếc xe thồ cuối cùng, đủ để gẩy cái chạc gỗ chống xe, khiến cái xe gạch sụp xuống, nhẹ nhàng, không vỡ, nhưng đủ làm cho anh chàng chở gạch ấm ức vì phải xếp lại. Nó thì sợ, còn anh lại bảo: “cũng phải dạy cho họ biết đỗ thế có ngày tai nạn, anh tử tế gẩy nhẹ tí thôi”.
Ngày nó học năm nhất đại học, anh vẫn lái xe đường dài Lai Châu – Hà Nội, có dạo chuyên chở thuốc lá Thăng Long. Một buổi tối, anh nó điện thoại về ký túc xá:
- Mai anh về Hà Nội, anh đón đi ăn trưa nhé!
Nó sung sướng lắm, khoe với bọn cùng phòng:
- Mai Anh tớ đón. Tớ đi ăn với Anh, cắt cơm nhé.
Nó đi học về, ngồi bên bàn điện thoại ở căng tin đợi Anh gọi. Quá trưa, qua giờ ăn, bọn bạn đã xong xuôi đi ngủ, Anh nó gọi:
- Anh đang trên đường, ra cổng Nhà máy thuốc lá Thăng Long Hà Đông đợi nhé!
Nó cuống cuồng mượn xe đạp của bạn, hối hả đạp xuyên trưa, đến cổng Nhà máy. Bụng đói. Mùi thuốc lá ngào ngạt. Nắng cháy và mồ hôi ròng ròng. Nó đứng ngay mép cổng. Nó không dám đi đâu, cứ hóng từng chiếc xe vào cổng, sợ anh vào mà không nhìn thấy nó. Bỗng một chiếc xe tải từ trong sân đi ra khỏi cổng, nó nhìn thấy anh trên ghế lái, đang hết sức đánh tay lái vòng trái sang đường. Anh nhìn thấy nó. Thật may quá. Anh nói chòi ra, kèm cái tay hất hất:
- Sang bên kia đường, đi lui lên phía trên nhé!
Nó chỉ kịp “Vâng”, lập cập lên xe, phóng sang bên kia đường, đuổi theo chiếc xe tải đi chậm chậm như sắp dừng lại. Khi nó vừa chạm mắt, nó thấy anh ném xuống đường một cục nho nhỏ rồi hét lên:
- Anh đi nhé. Tuần sau anh về!
Xe anh nó vút đi. Nó chạy theo cục giấy anh nó vừa ném xuống. Bên trong tờ xi măng, mấy đồng tiền giấy. Nó không còn nhớ mấy tờ và bao nhiêu tiền nhưng nếu láng máng qui đổi chắc cũng tương đương 100 hay 200 ngàn bây giờ. Nó thẫn thờ, nước mắt cứ thế tuôn trào. Nó muốn ném mấy đồng tiền đi. Nó muốn ném lại cho anh nó nhưng không thể. Nó muốn gặp anh. Muốn ăn cơm với anh. Được anh cho tiền hay không cho tiền cũng được. Nhưng nó không hề nghĩ rằng anh lại ném tiền cho nó và vút đi như thế. Nó giận anh từ đó cho đến rất lâu, bao nhiêu năm sau này. Bây giờ nhớ lại vẫn muốn khóc. Anh chưa bao giờ giải thích với nó. Có lẽ anh không bao giờ nghĩ nó lại giận anh. Tuần trước, nhằm ngày mồng 1.5.2025, nó gặp anh, lần đầu nó kể lại câu chuyện đó cho chị dâu và các con của anh nghe, lần đầu, từ 1986 đến hôm đó, nó nói với anh: Nó giận anh. Và cũng ngay lúc đó, nó hết giận. Nó bảo mãi sau này, nó mới tự hiểu và giải thích rằng, anh lái xe tải, kiểm soát qua cổng là anh phải đi. Xe không thể đỗ trái đường, cũng không thể tự nhiên đỗ dọc đường (có thể chỗ nó đứng là cấm xe dừng đỗ). Anh nó im lặng, không một lời giải thích.
Anh nó mổ ung thư thực quản năm 2015, sống thêm được 10 năm, bây giờ vẫn vật vã nhờ mooc phin mà cầm cự. Con gái anh bảo: Bố cháu muốn về thăm quê nên chúng cháu đưa về chứ lo lắm. Gặp anh ở quê xong, vì có công việc nó lên Hà Nội trước. Hôm anh lên Hà Nội nó ho phế quản nằm bệt nên không qua chơi với anh được. Thấy em rể bảo: Anh tinh thông, minh mẫn nhưng yếu lắm. Lúc ăn xong, anh vào nhà tắm là nôn hết.
Chuyện về anh thì nhiều lắm. Nó vẫn nhớ, nhưng muốn giữ lại trong lòng nhiều hơn một chút… từ từ rồi có lúc sẽ kể thêm cho con cháu nghe.
Nếu có tiền kiếp, nó tin nó và anh vẫn có mối quan hệ huyết thống. Nó tin anh nợ nó và nó cũng nợ anh nên kiếp này được làm anh em chăm sóc và bù đắp cho nhau. Nếu có kiếp sau, bất kể điều gì xảy ra, nó vẫn muốn làm người nhà của anh, mãi mãi./.