• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Chuyến đi phượt đầu tiên và kỷ niệm với bến phà quê

Thứ ba - 29/04/2025 05:35





(Ảnh: Thanh Bình)


 

CHUYẾN ĐI PHƯỢT ĐẦU TIÊN VÀ KỈ NIỆM VỚI BẾN PHÀ QUÊ

(Tác giả: Thanh Bình)
 

17 tuổi, với “Chuyến xe bão táp”, lần đầu nó đi chơi xa, đi Hà Nội cùng Ba Mẹ & các em. Nhưng trước đó, vào khoảng năm 1976 – 1977, nó có chuyến đi chơi xa, ra khỏi thị xã Thái Bình, cùng mấy đứa bạn thân. Chuyến đi tự phát, bất chợt của bọn trẩu tre non nớt, ngày thường chỉ biết ăn, học, nghe lời…

Đó là một ngày đầu hè, buổi chiều được báo nghỉ học vì cô giáo ốm, chúng nó vui lắm. Học trò mà, ai chả từng vỗ tay và reo lên sung sướng mỗi khi được nghỉ học, bất kể là thầy cô bận hay ốm hay tai nạn gì đó…thì đầu tiên vẫn phải reo lên và sung sướng đã. Bình thường chúng nó chỉ reo hò, túm tụm một tí , xong ai về nhà nấy. Chúng nó là học sinh lớp chọn mà, nổi tiếng là ngoan hiền ấy chứ. Nhưng hôm ấy, chả biết trời xui đất khiến thế nào, cũng không nhớ đứa nào khởi xướng, mà cuối cùng chúng nó cùng nhau đi chơi tận Nam Định - một địa danh mà chúng nó chỉ nghe tên, chưa từng biết. Một lũ lau nhau còi cọc, vừa qua lớp 7, đứa nào đứa nấy gầy nhom, đen đủi… Ngày ấy còi mà khỏe lắm. Cảm giác như chim sổ lồng, được đi chơi xa, được đi phà, được đi như người lớn, không cần người lớn quản lý là cái gì đó rất là đặc biệt.

Giữa trưa, cả bọn, gần chục đứa với 5-6 cái xe đạp còi, chở nhau đi. Nó nhát, chưa bao giờ đi đâu mà không xin phép Ba Mẹ, càng chưa bao giờ đi đâu xa. Còn nhớ ngày 30.4.1975, chỉ vì anh trai dắt nó đi xem mừng chiến thắng về muộn, khiến cả nhà tá hỏa đi tìm mà anh nó đã bị Ba cho cái tát trời giáng. Nhưng, cả lớp văn của nó đi, nó đành im lặng theo thôi. Hầu hết, đều cặp đôi, hai đứa một xe, đứa yên trước, đứa yên sau, chia nhau mỗi đứa nửa bàn chân trên, cùng đạp. Nó  chở đứa bạn thân. Được một đoạn đã phì phò không ra hơi nên đổi tay lái. Nó hiền, con bạn cũng lành. Nó ngồi vắt chéo chân, tay phải vòng qua eo bạn, ôm xiết, tay trái bám chặt vào mép yên. Bạn nó đạp xe trong im lặng. Chắc cũng lo lắng lắm vì bạn nó quê tận Thái Thụy lên trọ học nhà chị, chị là giáo viên khét tiếng. Mấy cặp kia vừa đi vừa rượt đuổi nhau, thi nhau rộn đường. Riêng nó và bạn thân cứ im lặng đi sát mép đường. Đường trưa chang chang nắng. Dưới vành mũ nan, hai má nóng dần, bỏng rát. Mồ hôi đẫm lưng áo, bạn nó vẫn miệt mài đi:

- Mệt chưa? Anh chở cho!

- Xời! yếu xìu còn lắm chuyện! Ngồi im đi!

- Thế đọc thơ cho nghe nó!

- Vâng! Anh đọc thơ hay hát bài gì đi, đổi công!

- Thơ Xuân Diệu nhé!

- Vâng!

Em ngồi ríu rít ở sau xe

Em nói lòng anh mải lắng nghe

Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm

Đời vui khi được thấy em kề…

Nó vừa đọc, vừa làm trò như Anh – Em đôi lứa, ghé sát đầu vào má bạn nó. Con bạn ngúc ngoắc:

- Ghê, ghê quá! Hát đi! Hát em nghe cho vui đỡ mệt!

Đoạn này, nó phải giải thích kẻo mọi người thắc mắc tưởng Nó chuyển giới thành con trai. Nó vẫn là gái nhé, chưa bao giờ khác 60 năm nay. Chỉ là không rõ nguồn cơn nhưng trong nhóm bạn nó, có ba đứa thân, rất thân. Nó gọi chị bạn lớn nhất hơn chúng nó 3 tuổi là Anh. Còn cô bạn út nhất gọi Nó và chị bạn kia bằng Anh. Cứ gọi thế thôi… cho đến tận sau này, đến bây giờ gặp nhau bất giác vẫn xưng hô lại kiểu đó.

Bài hát mà nó hay hát nhất là Phượng hồng. Khi buồn buồn thì hai đứa hát Nỗi buồn hoa phượng. Bạn nó hát hay lắm – Là giọng ca từng đạt huy chương vàng, nó thì hát có tình thôi chứ hơi yếu, vì từ bé đã bị phế quản. Nghêu ngao một lúc thì đến Phà Tân Đệ - Phà nối hai bờ sông Hồng, bên này Thái Bình, bên kia Nam Định. Đám bạn nó và rất nhiều người khác đang đợi phà. Ngày đó chưa có rào sắt ngăn đường dẫn như sau này, mọi người cứ đứng gọn trên bờ, dưới tán cây cổ thụ đợi. Phía trong có quan nước chè nhỏ. Một vài bác tài và dăm ba bác xe thồ ngồi quay quanh chõng tre, rít thuốc lào sòng sọc. Phà bắt đầu rời bến từ phía bên kia sang, lừ đừ trôi trong nắng.

- Bạn có tiền không?

- Không, chẳng có hào nào! Làm gì?

- Khát quá!

Bạn nó liếc nhìn vào quán nước, rồi quay ra.

Tầm nửa tiếng, có khi lâu hơn, bây giờ nó cũng không chắc, chỉ nhớ là rất lâu thì phà cũng cập bến. Bên dưới, mọi người ào lên. Bên trên, mọi người cũng ào xuống. Người đan người, tiếng gọi nhau xôn xao, ý ới. Bác lái phà cố gắng phân luồng mà bất lực. Nó và chúng bạn cuống cuồng xuống phà. Rồi… phà cũng sang sông. Nó chợt nhớ về những bài văn tả cảnh sông nước, con đò, bến phà Thầy nó thường đọc cho nghe hồi lớp 4, lớp 5. Cảnh & Người & âm thanh… Nhưng ngay lúc này, nó chỉ muốn tìm một nơi ẩn náu: Nóng quá! Rát quá. Nó không vướng xe nên tự nhiên, cứ theo dòng người đi bộ, len lỏi lên phía đầu phà. Nó bắt chước mấy bà đi chợ về, lót dép ngồi xuống ngay đầu lưỡi phà. Ôi chao râm mát quá, sung sướng qua! Gió mang theo hơi nước và những giọt bắn li ti, mát rượi. Thỉnh thoảng, sóng nước trào lên, chạm vào chân, sóng sánh dưới mông quần con gái…Nó đưa mắt nhìn về phía bờ, phía bên kia, cũng một gốc cây, một quán trà, dăm ba nhóm người dưới bóng râm, xe thồ, xe đạp chống giữa giời lỏng chỏng, hiện ra, mỗi lúc một gần… Nó chỉ mong cứ được ngồi mãi thế này, ở đây, ngay đầu lưỡi phà với mấy bà, mấy u…

Rồi phà cập bến. Chúng nó lên phà. Chúng nó lên dốc. Đứa ngồi trên xe đạp hết sức, đứa chạy dưới đẩy xe. Lên khỏi dốc, chúng nó túm tụm bàn kế hoạch di chuyển tiếp:

- Giờ bọn mình đi đâu?

- Đi vào phố!

- Đi chợ  Sắt!

- Chợ Sắt ở đâu?

- Đi về thôi, không kịp đâu!

- Khát quá! Có ai mang tiền không?

Mỗi đứa một ý. Nghe không kịp giờ tan học chiều như mọi ngày, cả bọn khựng lại. Mấy bạn trai muốn đi tiếp. Mấy bạn gái im lặng. Bụng nó muốn về lắm. Nhưng tính nó vẫn thế, hay lựa chiều theo mọi người. Bạn H (người đi cùng xe với một bạn trai tên Th) bật khóc:

- Tớ không đi nữa đâu, cho tớ về!

Trong lúc chúng nó bàn nhau, phà đã đầy và bắt đầu qua sông về phía Thái Bình.

                        *    *

                           *

Gần tiếng sau, phà quay trở lại. Chúng nó lại … lên phà! Nó nắm tay xe, bảo bạn:

- Để Anh chở Em!

- Đây!

- Ngồi sau hát nhé!

Đường về, đứa nào đứa nấy bơ phờ, bạc phếch, phần vì khát, vì mệt, phần thì sợ, sợ nhất là không về kịp như giờ tan học sẽ bị phát hiện. Thế là, mạnh ai nấy đi. Phà chưa kịp chạm sàn, còn khoảng 2 m mới đến bờ, mới thấy lờ mờ cát sỏi dưới nước, mọi người đã đứng lên, dồn sát. Hình như ai nấy đều rất vội, đều sợ trễ giờ, chứ không riêng gì chúng nó. Chiều tà, nắng đã dịu, gió hiu hiu mát, nhưng trong lòng nó như có lửa đốt. Bác lái phà quăng cái xích sắt lên bờ, chưa kịp chạy lên cột phà lại, các bà quang gánh, các bác xe thồ đã ào lên. Mấy đứa bạn nó nhanh chân, ào qua. Bọn con trai phốc lên xe, phóng đi. Đứa bạn thân đã nhanh chân tót lên xe một thằng bạn khác. Nó theo quán tính, dắt xe chạy theo bạn, nước bắt tung tóe. Rồi nó cũng lên xe, đạp lấy đạp để. Dốc phà như chợt cao lên và dài hơn. Nó cong mông, vít lái, cái xe loạng quạng một hai vòng thì…rẹt, một bác xe thồ lướt qua, cái sọt bên hông của bác ấy kéo luôn nó sấp mặt xuống mặt đường. Trong chốc lát, mắt nó tối sầm, rồi sáng dần, nó nhỏm dậy, dắt xe đi lên dốc. Xung quanh nó, người đi xe đạp, quang gánh vắng dần, một hai cái xe lam, ô tô lướt qua. Tiếng máy nổ, khói xăng dầu…Một vài người ngoái nhìn nó:

- Chảy máu kìa!

- Mặt sưng vù rồi

- Xin ca nước rửa mặt kẻo nhiễm trùng cháu!

- Về đâu đấy?

- Tuột xích kìa!

Một bác xe thồ khác chống xe giữa đường, giúp nó lắp lại xích.

Nó thấy mặt rung rung, bì bì… nhưng nó không có thời gian, nó lên xe và mải miết đi về phía trước. Không thấy bóng dáng đám bạn học. Trời tối dần, rồi tối hẳn. Nó đi theo thói quen, cứ mép đường mà đi, mắt nhòe không nhìn rõ, nhưng cứ đi, rồi cũng về đến nhà.

Nó khẽ khàng dỡ cái xích cổng, cố gắng không phát ra tiếng động, rón rén dắt xe vào, rồi rón rén quấn lại cái xích cổng. Trời ạ! Sao mà cứ lách cách, lách cách. Nó dắt xe vào sân. Cái bàn nước bên dậu tường hoa, nơi nó thường học bài mỗi tối và cùng ba thường trà mỗi sáng, Ba nó ngồi sẵn trong bóng sáng mờ mờ từ ánh đèn điện gian giữa hắt ra:

- Đi đâu giờ mới về?

Giọng Ba nó nghiêm và sắc. Nó cứng người đứng im đến mấy giây. Mấy đứa em nó bám mép cửa ngó ra. Một lúc thì anh nó, rồi chị nó về. Một cảm giác thật sự khó tả. Mọi người vừa như thở phào nhẹ nhõm vì nó đây rồi, lại vừa trong im lặng sợ hãi đợi cơn thịnh nộ từ Ba nó. Nó còn chưa kịp nói gì, thì mẹ nó từ đâu chạy về, bật bóng đèn đỏ ngoài hiên (cái bóng này rất ít khi được bật, thường chỉ đến tết hay dịp trung thu hay có khách đặc biệt mới sáng đèn). Nó bất giác đưa tay lên che mặt. Nó chưa kịp rửa mặt, chưa kịp phủi bụi quần áo, chưa kịp cặp cái tóc lại cho gọn gàng. Nó là đứa con gái xinh đẹp và luôn gọn gàng, chỉn chu, sạch sẽ, vậy mà… Quyển vở học thêm vốn dĩ ở cái giỏ xe… không biết rơi mất từ lúc nào, giờ nó mới để ý. Mẹ nó cuống cuồng:

- Đây rồi! Đây rồi!

- Sao thế này con?

- Đi đâu mà ra nông nỗi này?

- Ai làm gì con?

Bất chợt Ba nó cũng thảng thốt đứng lên, nhìn nó, sựng lại, rồi rất nhanh, nắm lấy cái xe, dắt vào trong. Mẹ nó ấn nó ngồi xuống cạnh bàn, xua mấy anh chị em nó vào nhà, giọng khẽ như nhắc nhở: “vào học bài”. Tất cả tản ra, mẹ nó vào bếp một tí thì quay ra với cái thau nước. Ba nó cũng quay ra với lọ thuốc đỏ, miếng gạc và cuộn băng y tế. Mẹ bảo nó cúi mặt xuống chậu, rồi dùng cái khăn xô (khăn được mẹ cắt khâu viền từ vải màn cũ), sẽ sàng vợt nước lên rửa mặt cho nó. Đau lắm, sợ lắm mà nó im như thóc, chỉ khẽ giật thột. Rồi mẹ thấm nhẹ cho khô. Ba nó đã nhăm nhăm cái panh kẹp bông chấm thuốc đỏ, chấm chấm lên mặt nó. Nó không nhìn thấy mặt của mình. Nhưng theo tay Ba nó, nó dần cảm nhận được má trái sưng húp mắt, dập môi và rách từ cánh mũi lên.

- May không dập sống mũi, chỉ trượt da – tiếng mẹ nó lẩm bẩm. 

Sau khi vệ sinh bằng thuốc đỏ, mẹ nó bôi chút thuốc mỡ mắt tetaxilin (bất cứ chỗ nào sứt sát mẹ nó đều bôi thứ đó), đặt gạc và dán băng y tế. Rồi nó đi rửa chân tay, thay quần áo. Quay ra, Ba nó đã vào nhà nghe chương trình cảnh giác tối thứ 7, mẹ ngồi cùng xem nó ăn cơm, nhẩn nha từng thìa nhỏ xíu vì không há được mồm ra. Nó thèm đi ngủ lắm. Thứ 7 thường được chơi, nghe đài hoặc tụ tập đầu ngõ với mấy đứa bạn hàng xóm. Nhưng hôm nay cả nhà nó, tất cả các anh chị em đều ngồi bàn học. Nó cũng ngồi học. Rồi Ba nó tắt đài đi ngủ sớm. Mẹ nó cũng bỏ màn và giục cả nhà đi ngủ. Điện tắt tối om… nó cũng lò dò chui vào màn, nằm nấp sau lưng mẹ nó ở cái giường đôi giữa nhà.

Kỉ niệm đầu tiên của nó với bến phà quê hương là như thế. Người ta hay bảo “đi đêm lắm có ngày gặp ma” nhưng nó lần đầu trốn Ba Mẹ đi chơi xa với bạn bè đã có ngay hậu quả, còn chả có cơ hội mà nói dối nữa.

Nó không sinh ra ở ven sông, nơi có bến phà, nhưng sau này nó có khá nhiều kỉ niệm với bến phà quê. Đó là nơi, lần đầu tiên nó nhận ra cậu bạn đẹp trai như Tây, cứ tình cờ gặp nhau hoài mỗi lần nó từ trường Sư phạm về quê chơi (mặc dù cậu bạn học trường khác). Là nơi, sau này, khi mới lập nghiệp Hà Nội, mỗi khi về quê, qua phà, phải đợi xe khách xếp hàng rất lâu, hàng tiếng, có khi vài ba tiếng giữa trời nắng hay đêm tối, mưa rét, nó vì thương con, thường bỏ sĩ diện xuống, gõ cửa từng chiếc xe con xin đi nhờ về thị xã. Và nhờ mấy đứa con trai nheo nhóc mà hầu như lần nào cũng được thuận lợi.

Những năm 1996 – 1998 và nhiều năm sau nữa, mẹ con nó vẫn thường đi qua bến phà, từng biết về những tai nạn khủng khiếp, có lần cả nhà bạn học nó, 1 xe 4 người ngồi trên xe xuống phà đêm, quá đà, lao xuống sông không ai sống sót. Nó vẫn luôn thầm nghĩ về những lần mẹ con nó dắt díu nhau ở bến phà này.

Năm 1999 tỉnh khởi công dự án cầu Tân Đệ và khánh thành năm 2002. Nó nhớ, Ba nó từng bảo: Ba khỏi bệnh, mày chở ba lên cầu một chuyến. Ba nó ước một lần được đi trên cầu, được vịn tay vào thành cầu thôi, mà không kịp. Hôm tiễn Ba về bên kia cuộc đời, con đường từ Phúc Khánh lên cầu vẫn đang xây dựng. Chiếc xe Ba nó nằm cứ xóc lên, xóc lên không dứt. Anh chị em nó cứ ghì xuống giữ cho Ba không bị đau, mà giữ mà không nổi, đau lắm, nhói lan sang cả 9 con tim của anh chị em nó.

Các con nó lớn lên, quen với cây cầu mới, hiện đại, có lẽ, chẳng còn nhớ bến phà cũ, nhưng với nó, mỗi lần về qua, ngay khi bon bon trên cầu, cảm xúc và hình ảnh con phà xưa vẫn nguyên vẹn. Nó hy vọng sáp nhập tỉnh đợt này, tên cầu Tân Đệ không bị thay đổi, và chắc thế, vì cây cầu ở phía bên này, cùng với Nam Định.

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.