• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Mùa trắng tinh khôi: Loa Kèn của riêng một người

Thứ năm - 02/04/2020 18:34



Mình đã yêu gì, thì thường thích tìm hiểu kỹ. Một bài thơ, một bài hát, một bức tranh, một cái tên, dẫu chỉ là địa danh… Có loài hoa, mình mò mẫm đến tận xứ sở của nó để tìm ra manh mối, như hoa Tuy-lip của xứ Thổ Nhĩ kỳ (chẳng hạn).

 

Vậy mà cũng có loài hoa, mình chỉ yêu bằng trực giác, yêu tất cả những hình, những bóng, những liên tưởng, những câu chuyện liên quan đến nó, chứ không rạch ròi đi tìm những khái niệm, những thông tin chính xác về nó, thậm chí không cả thưởng thức nó, có đến hàng năm trời.
 

Những người trẻ của những năm 80 chắc vẫn còn nhớ truyện ngắn từng xôn xao văn đàn lúc đó, nhất là đối với sinh viên – “Có một đêm như thế” của cô sinh viên trường Đại học Bách khoa HN – Phạm Thị Minh Thư. Người ta bàn luận nhiều về truyện ngắn này với những góc nhìn thuộc về lý luận văn học. Người ta chú ý đến một phong cách mới cho truyện ngắn, chú ý đến một bối cảnh lịch sử- Hà Nội trong những ngày chiến tranh ác liệt của Mỹ, đến những tâm tư, suy nghĩ của một lớp người trẻ trong những ngày tháng đặc biệt đó. Còn mình, tính mình đôi khi rất vớ vẩn, đôi khi mình như một cô bé bước trong tòa lâu đài cổ, bỏ qua những gấm vóc, lụa là, những bức tranh quý, những chiếc bình cổ, những đồ gỗ đắt tiền, chỉ để cúi xuống nhặt lên một chiếc khuy áo bằng đồng bị đánh rơi ở một góc, và mân mê chiếc khuy áo trên tay để nghĩ, để hình dung ra một người từng mang nó, tưởng tượng đến những gì sẽ đến với nó.
 

Đọc cái truyện lạ của Phạm Thị Minh Thư, mình duy nhất nhớ đến một hình ảnh, rồi nó theo mình mãi, cho đến tận bây giờ: Một bông hoa loa kèn còn sót lại trong khu vườn đêm, dưới vầng trăng đỏ ối của đêm hè trước cơn bão. Bông hoa loa kèn mảnh mai, kiêu hãnh, bình thản vươn lên giữa đám cỏ cao ngập đầu đang lan chiếm cả vạt vườn.  Bông hoa trắng trong, tinh khiết như một vệt nước mắt (giận hờn, hạnh phúc) long lanh trong một đêm ngột ngạt. Hương của nó mảnh như một giọt sương, sáng lấp lánh giữa màu tối của đêm.



 

Mình yêu hoa loa kèn từ dạo đó, yêu mà chưa một lần được nhìn thấy nó. Tất cả chỉ là trong tưởng tượng.
 

Nhiều năm trôi qua, mình thường ngơ ngác chợt nhớ đến nó một năm một lần vào tháng Tư. Cũng chẳng có ý định có nó trong cái bình của mình. Chỉ thỉnh thoảng lại bâng khuâng gặp nó trên một trang viết, hay trong một bức ảnh ngẫu hứng của một bạn nào đó. Nó gần lắm, mình có thể nhắm mắt lại và thấy nó hiển hiện trong mình rõ đến từng cung bậc trắng, đến từng cung bậc thơm. 


Có lần trong một chuyến bay đường dài, mình ngồi cạnh một câu trai trẻ Việt kiều, thấy cậu lật lật trang tạp chí của hãng hàng không VN, rồi quay sang mình kêu: “Cô ơi, báo viết sai chính tả: phải là “Màu trắng tinh khôi” chứ, sao ở đây viết “Mùa trắng tinh khôi”. Mình biết chẳng dễ gì giải thích cho cậu bé Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ này về loài hoa đó. Nó không chỉ mang màu trắng, mà nó đã làm nên một “Mùa trắng” tinh khôi cho Hà Nội.


Những năm sống xa đất nước, có đôi khi mình mua một bó hoa ly còn ngậm nụ, về cắm vào cái bình gốm xanh, để riêng trong phòng làm việc của mình, rồi tự bảo: Loa kèn đấy, ngắm đi! Và ngắm chùm nụ trắng xanh yêu kiều, non nớt ấy cho đến khi những cánh hoa đầu tiên hé nở, lộ nguyên hình là hoa ly, là mình bê bình hoa đó ra phòng khách, nó không còn là hoa loa kèn của riêng mình nữa.


 

Bây giờ về sống ở phương Nam, vẫn xa xôi với hoa Loa kèn. Mình biết chỉ một tin nhắn, chỉ một lời gọi...là mình sẽ có ngay những đóa hoa loa kèn nao nức từ Hà Nội vào. Nhưng mình đã không làm như thế. Hoa loa kèn trong mình vẫn mãi quen mà lạ, gần mà xa, như đang cầm trong tay mà như ảo ảnh không thể nào nắm bắt.
 

Đó là hy hữu khi mình yêu mà không muốn đi tìm, không muốn chiếm hữu.


 Bùi Thanh Huyền
 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.