• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Để hạnh phúc tròn đầy

Thứ sáu - 20/03/2020 18:01

 

Trong những năm tháng trên đời, hẳn ai cũng mong có được một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng thật chẳng dễ dàng để có được một cuộc sống mà từng giây từng phút đều ngập tràn tiếng cười vui. Bởi cuộc đời cũng như bản nhạc với đầy đủ nốt thăng nốt trầm, giống như dòng sông kia, có khúc bồi, có đoạn lở, có lúc thì hiền hòa lơ đãng êm xuôi, nhưng cũng có khúc gặp phải gập ghềnh bờ đá…

 

Những người đã phần nào hiểu được mục đích của cuộc sống trong “cõi tạm” thì lại cho rằng nguyện vọng về niềm hạnh phúc thực sự không phải là quá xa vời, thậm chí hạnh phúc ở ngay bên cạnh chúng ta thôi, ở ngay trong chúng ta thôi. Họ không dễ dàng chấp nhận một cuộc sống bất an với nỗi buồn đau kéo dài xen lẫn với những cái vui chốc lát. Họ cho rằng tâm thái của chúng ta, những việc mà chúng ta làm sẽ quyết định cuộc đời của chúng ta. Chỉ cần chúng ta quyết làm, tự lựa chọn cách sống của mình, lựa chọn tâm thái của mình, hành xử theo lời dạy của những bậc tiền bối, sống theo Đạo, trong Đạo, thì sẽ được kết quả tốt đẹp.

 

Trước hết là nói về mục đích của cuộc sống. Cũng không khó để cảm nhận được rằng, với những ai lấy tiền của, danh lợi làm mục đích sống thì người đó sẽ thấy rất khổ sở. Bởi vì lúc nào họ cũng cứ phải luôn phấn đấu, so đo về cái được cái mất trong cuộc đời. Do cứ mải mê kiếm tiền, tranh tranh đấu đấu về cái danh, cái lợi nên họ sẽ mệt mỏi. Họ không có thời gian thảnh thơi để tận hưởng hết những niềm vui giản đơn mà họ có thể có được. Hiển nhiên là họ cũng chẳng còn thời gian vật chất để chăm sóc cho chính bản thân họ chứ nói gì đến quan tâm chăm sóc những người thân xung quanh của họ nữa.

 

Tôi cũng đã từng đọc được những dòng như thế này: Người không biết thế nào là đủ thì sẽ có cuộc sống rất bất an, bởi người đó sẽ luôn lấy ganh đua, so bì làm trọng, giống như kiểu được voi thì lại vòi tiên. Người biết thế nào là đủ sẽ luôn có một cuộc sống sung túc. Bởi mọi thứ với họ luôn nhẹ tênh. Họ có được tất cả, vui với một miếng khi đói, vui với những gì mà họ có, hưởng một cuộc sống đủ đầy chỉ bởi đơn giản rằng, trong đầu họ họ không có từ “thiếu”.

 

Người sống lụy vào tình lúc nào cũng lấy tình yêu làm trung tâm thì sẽ không còn được tận hưởng những thú vui an nhàn mà đáng ra họ có thể được hưởng. Họ sẽ không thể thoải mái, vô tư khi hết được yêu chiều. Cuối cùng họ sẽ phải vật vã đau khổ để mất tình yêu. Họ không thể hiểu rằng tình yêu là do nhân duyên an bài chứ không phải là điều có thể mong cầu.

 

Người không biết tha thứ sẽ mãi mãi đau khổ, lúc nào cũng cảm thấy bất an vì cứ phải ôm lấy mối thù hận trong lòng. Nếu trong lòng cứ ôm giữ mãi mối thù hận thì chính là đang nuôi dưỡng sự đau khổ. Giá như họ biết được rằng sự thật sẽ phản đảo, sẽ là ngược lại nếu ta nhìn từ hướng khác, có cách tiếp cận khác: Tha thứ cho người khác và tha thứ cho bản thân mình chính là một phép nhiệm màu có thể làm thay đổi cả cuộc đời của mình. Tha thứ sẽ cởi trói cho tâm hồn của mình khỏi mối thù hận ấy. Vì vậy, hãy học cách tha thứ, cho người và cho chính bản thân mình.

 

Người biết thế nào là liêm sẽ luôn giữ cho mình được thanh khiết như bông hoa sen mọc dưới đầm lầy. Nếu cứ trước sau như một, kể cả khi xao lòng nhất, thì đó chính là đã có chữ tín, khi mà niềm tin vững bền chỉ đặt ở một nơi xứng đáng với nó. 


Người biết thế nào là hạnh phúc sẽ biết cách quên đi cái khổ đau đang phải chịu, bởi vì, lúc này, toàn tâm toàn ý của họ, chỉ là quan tâm đến người khác. Họ sẵn sàng cho đi chứ không màng đến việc nhận về. Và cho đi là hạnh phúc hơn nhận về.

 

Nói về chuyện “cho” và “nhận”, trong Phật giáo có một câu chuyện rất có ý nghĩa. Chuyện rằng, A và B là đôi bạn thân. Khi chết đi, họ được đưa đến Diêm Vương. Diêm Vương bèn mở sách ghi Điều Tốt và Điều Xấu ra xem để quyết định cho họ đầu thai. Ngài cho mỗi người được chọn một trong hai điều: một là “sống để cho” và hai là “sống để nhận”.

 

A rất tham lam và muốn có một cuộc sống không bị khổ cực vì thế anh ta lập tức chọn “sống để nhận”; B không vì thế mà buồn rầu mặc dù A nhận trước. B chỉ tâm nguyện rằng: “Sống để có thể giúp mọi người và biết được ý nghĩa đời sống thật sự!” Sau khi nghe hai lời ước nguyện, Diêm Vương làm một khế ước về số mệnh. Diêm Vương nói với B: “Vì ngươi chọn sống để cho, vậy ngươi sẽ là một người giàu trong kiếp tới và ngươi sẽ hiến tiền của mình cho người nghèo”. Còn điều gì sẽ xảy ra cho A? Vì A muốn có một đời sống chỉ nhận của người khác, nên Diêm Vương phán rằng A sẽ trở thành một kẻ ăn mày và sống dựa vào lòng nhân từ của người khác trong kiếp tới.

 

Như vậy, cái mất và cái được của chúng ta không thể biểu hiện hay quyết định chỉ từ trên bề mặt. Đôi khi dường như ta “được” một điều gì đó, nhưng từ một khía cạnh khác, ta có thể “mất: nhiều hơn. Phật gia và Đạo gia đã từng giảng: Lùi lại thật sự là tiến tới. Người xưa có câu: Lùi một bước biển rộng trời cao. Trên thực tế, những người nông dân phải nhìn xuống mặt bùn, rồi bước lùi lại để cấy lúa. Đó là triết lý sâu xa đã được người xưa đúc kết: những thành công có được là từ việc cúi đầu xuống và lùi lại, hay suy rộng ra thì “lùi lại thật sự là tiến tới”. Triết lý này cũng tương tự như câu “Đôi khi cái được tốt nhất chính là mất đi”.

 

Thầy của tôi từng giảng rằng: Con người ta, lúc ở bên nhau mà biết đem yêu thương cho đi thì sẽ được tấm chân tình đáp lại và sự nghiệp thành công. Khi có được sự nghiệp thành công, nếu đem trí tuệ cho đi thì niềm vui sẽ đến. Không cho đi thì không nhận được, không mất thì không được. Đối xử với người khác như thế nào thì người khác cũng sẽ đối xử với mình như vậy. Vậy nên, chìa khóa của hạnh phúc chính là BUÔNG! Hạnh phúc là từ bi cho đi chứ không phải là tham vọng nhận về.

 



Hạnh phúc không gắn với thành công, không đi đôi với tiền bạc, quyền lực hay danh vọng. Hạnh phúc đến bên ta, tự nhiên như thinh không bao la, như không khí mát lành của sự sống. Nếu biết sống trọn vẹn với hiện tại, trân quý hôm nay, khép lại quá khứ và nỗi lo tương lai, hạnh phúc sẽ tròn đầy.


Trần Huyền Tâm

(Tản mạn miền sương khói - NXB Hội Nhà văn 2019)



Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.