- Góc chia sẻ
Dùng "Quốc khách" có đúng không?
Thứ sáu - 07/04/2023 16:40
(Ảnh: Xuân Nguyễn)
DÙNG QUỐC KHÁCH CÓ ĐÚNG KHÔNG?
(Dương Chính Chức)
1. Trong tiếng Việt, có hai từ chỉ khách là "khách" và "tân", cùng là từ Hán - Việt. "Khách" viết là 客 và "Tân" viết là 賓. Tuy cùng chỉ khách khứa nhưng cách dùng khác nhau.
"Khách" (客) vốn là đối nghĩa với chủ, tức là ai đó không phải chủ nhà. Một người khác đến nhà gọi là khách nhưng là khách đến không do mời. Có thể là đi ngang rẽ vào. Khách sạn chính là nơi cho khách đi đường tự vào thuê phòng ở vậy.
"Tân" (賓) thì khác. Cũng là khách nhưng là khách do chủ mời đến, hoặc dù không mời mà đến nhưng là người mình mong, mình quý, họ tự đến mình cũng trọng thị đón tiếp.
Chữ "tân" có vẻ là khá lạ lẫm với người Việt ta, nhiều khi lại chỉ biết tân là mới. Chữ tân - khách này ta hay dùng chữ "lễ tân" chính là chỉ sự lễ, quy trình đối đãi với khách, tiếp tân là tiếp khách vậy. Chú ý là tiếp tân chỉ là 1 khâu cực nhỏ trong quy trình lễ tân thôi.
2. Xét về mức độ thì "khách" là khách thường, "tân" mới là khách quý.
Cái ý này có chiết tự vui là:
Chữ Tân(賓) là gồm bộ Miên - nhà "宀", chữ Thiếu - ít (少) và chữ Bối - của cải (貝) tạo thành. Ý là ngôi nhà ít của nả có khách mang tài vận đến. Thế là khách quý.
Còn chữ Khách (客) là gồm chữ Các - mỗi (各) và chữ Tri -theo (夂) và Khẩu - miệng(口) hợp lại mà thành. Ý là khách vác mỗi cái mồm đến, tốn cơm tốn bát.
Phòng tiếp khách, cho khách ở cũng theo đó mà phân biệt. Phòng cho khách ở thì có khách phòng (客房) và tân phòng (賓房), phòng tiếp khách thì có khách thất (客室) và tân thất (賓室). Triêu Tiên, Hàn Quốc không dùng từ tân phòng (賓房, 빈방) vì nó đồng âm với từ phòng trống không người (빈房).
3. Khách đến thăm nước ta đều do ta mời, và đều là khách quý cả. Do vậy, ta phải dùng chữ "Tân", dùng đầy đủ là "Quốc tân" (國賓). Tất cả các nước dùng chữ Hán, từ Hán đều dùng chữ Quốc tân này. Triêu, Hàn gọi là 국빈.
Chữ "quốc" (國) là chỉ cấp Nhà nước. Thế nên có chữ "quốc" rồi thì tuyệt đối không phải đối tượng không mời mà đến, càng không phải khách thường. Không có cái gọi là "Quốc khách".
=> Do vậy, cứ nói nôm na là vị khách đầu tiên của Chủ tịch nước, hoặc thích nói chữ thì nói là vị quốc tân đầu tiên của Chủ tịch nước.